Trường Mầm non BaBy cơ sở 2 (thành phố Tuy Hòa) hiện có 360 trẻ. Từ ngày 8 - 11/7, nhà trường phát hiện 10 trẻ mắc tay chân miệng. Do vậy, trong ngày 13/7, trường thông báo cho trẻ nghỉ học để phun thuốc diệt khuẩn và huy động giáo viên, nhân viên dọn vệ sinh toàn trường.
Cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non BaBy cơ sở 2 cho biết, sau khi phát hiện có trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng, nhà trường đã triển khai ngay biện pháp phòng, chống. Các cháu mắc bệnh được cho ở nhà để điều trị. Các cháu khác đến trường đều được cô giáo kiểm tra thường xuyên để sớm phát hiện bệnh. Đồ dùng học tập, đồ chơi và phòng học của các cháu được vệ sinh, khử khuẩn liên tục.
Tại huyện Tuy An, trước tình hình bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp với số ca mắc liên tục tăng từ đầu tháng 7 đến nay, UBND huyện yêu cầu cơ quan chuyên môn và UBND 15 xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện biện phòng, chống ngay tại gia đình, nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo. Người dân tích cực vệ sinh môi trường, thực hiện “3 sạch”, gồm ăn sạch, uống sạch và ở sạch, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, địa phương đang giám sát chặt chẽ tình hình bệnh tay chân miệng, không để phát sinh ổ dịch mới. Trung tâm Y tế huyện tổ chức việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong do mắc tay chân miệng. Địa phương chỉ đạo ngành Y tế thực hiện phòng, chống lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế; đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên, từ đầu năm 2023 đến ngày 12/7/2023, toàn tỉnh ghi nhận 9 ổ dịch tay chân miệng với 172 ca mắc. Số ca mắc tăng vọt từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7 đến nay với gần 150 ca, tập trung nhiều nhất tại huyện Tuy An (65 ca), thành phố Tuy Hòa (55 ca) và thị xã Đông Hòa (12 ca), hai huyện Phú Hòa và Tây Hòa (cùng 11 ca). Các địa phương còn lại trong tỉnh dưới 10 ca. Ha ca tử vong được ghi nhận tại huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu, đều sinh năm 2021.
Bác sỹ Châu Trọng Phát, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên cho biết, sau khi số ca mắc tay chân miệng liên tục tăng, Trung tâm phối hợp với các địa phương khẩn trương điều tra dịch tễ, giám sát chặt chẽ ca bệnh nhằm phát hiện ổ dịch, tổ chức tiêu độc khử trùng vùng có dịch, tập huấn, hướng dẫn cán bộ y tế công tác phòng, chống, tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng bệnh cho người dân trên địa bàn.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên yêu cầu, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai giải pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng. Khi phát hiện ổ dịch, lực lượng chức năng ngăn chăn kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với gia đình và cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường giám sát trường hợp trẻ, học sinh nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng, kịp thời cách ly điều trị, xử lý ổ dịch.
Các bác sỹ khuyến cáo, bệnh tay chân miệng xuất hiện chủ yếu trên trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Biểu hiện lâm sàng là trẻ sốt, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, đi vệ sinh phân lỏng, trẻ bứt rứt khó chịu, đặc biệt là có hồng ban, vết loét, phỏng nước ở vùng tay, chân, miệng, hậu môn. Bệnh tay chân miệng do virus gây ra, hiện chưa có thuốc đặc trị. Do vậy, khi phát hiện trẻ có các biểu hiện lâm sàng nêu trên, nghi mắc bệnh tay chân miệng cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám, được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.