Tại Hà Nội, điểm tiêm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; tại Thành phố Hồ Chí Minh là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh; tại Hải Dương là Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong sáng 8/3 sẽ có 100 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện được tiêm vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19. Đây là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được phân bổ 450 liều vaccine trong tổng số 117.600 liều vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết sẽ bố trí 3 bàn tiêm tại Phòng Tiêm chủng, Trung tâm Phòng, chống dịch của Bệnh viện.
Tại tỉnh Hải Dương, hai điểm tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 sáng 8/3 là Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành. Trong đó, Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 50 người và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành tiêm cho 30 người.
Đây là hai điểm đầu tiên của tỉnh Hải Dương thực hiện tiêm vaccine ngừa COVID-19; sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai tiêm đồng loạt tại các địa phương trong tỉnh.
Cũng trong sáng 8/3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành những mũi tiêm đầu tiên vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19.
Trong đợt 1, Bộ Y tế phân bổ vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 cho 13 địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 21 bệnh viện.
Trong đó, số liều vaccine được phân bổ cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội là 8.000; CDC tỉnh Hải Dương 32.000; CDC Thành phố Hồ Chí Minh 8.000; CDC tỉnh Quảng Ninh 3.800; Trung tâm y tế dự phòng thành phố Hải Phòng 2.800; CDC tỉnh Bắc Ninh 2.100; CDC tỉnh Hòa Bình 1.600; CDC tỉnh Hưng Yên 3.100; CDC tỉnh Bắc Giang 3.100; CDC tỉnh Gia Lai 1.800; CDC tỉnh Hà Giang 1.700; CDC tỉnh Bình Dương 1.200; CDC tỉnh Điện Biên 1.800; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mỗi bộ 30.000 liều.
21 bệnh viện được Bộ Y tế phân bổ vaccine gồm: Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương: 300; Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương (cơ sở 2): 500; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2: 450; Bệnh viện dã chiến 2 Quảng Ninh: 200; Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai: 100; Bệnh viện dã chiến Củ Chi: 150; Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh: 400; Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh: 800; Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 (Hải Phòng): 200; Trung tâm y tế thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên): 100; Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười: 250; Bệnh viện đa khoa khu vực Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp): 350; Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương: 500; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa: 100; Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh: 100; Bệnh viện Phổi Đà Nẵng: 100; Trung tâm y tế Huyện Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu): 200; Bệnh viện đa khoa huyện Xín Mần (Hà Giang): 100; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh: 900; Trung tâm y tế huyện Chí Linh (tỉnh Hải Dương): 100; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương: 100.
Trước đó, ngày 6/3, phát biểu tại Hội nghị tập huấn trực tuyến công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tới hơn 700 điểm cầu trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, do vaccine lần này có số lượng hạn chế nên 13 địa phương được phân bổ vaccine ngừa COVID-19 cần thực hiện nghiêm theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Có như vậy mới tạo được niềm tin khi triển khai tiêm chủng và đảm bảo được công bằng trong tiếp cận vaccine theo đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, của UNCEF và COVAC.
Các địa phương chưa được phân bổ cần tiếp tục chuẩn bị kế hoạch, lên chương trình đào tạo, tập huấn. Khi có vaccine về trong tháng 3 này, Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay cho các địa phương.
Bộ Y tế đã phân công 3 đồng chí Thứ trưởng chỉ đạo các điểm tiêm vì đây là vaccine lần đầu tiên tiêm, tiêm cho người lớn… Công tác triển khai tiêm chủng đảm bảo thận trọng, phải có theo dõi, giám sát, đánh giá và trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm để từ đó tiêm trên diện rộng hơn trong thời gian ngắn nhất có thể.
Trong lần triển khai tiêm chủng này, Bộ Y tế tập trung ưu tiên cho các đối tượng theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ và đối tượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch.
Theo đó, những mũi tiêm đầu tiên sẽ được dành cho người trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch, giảm thiểu yếu tố nguy cơ lây nhiễm với đối tượng này. Bộ Y tế tổ chức tiêm tại tất cả cơ sở có điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc nên khả năng lây nhiễm rất cao, sau đó là những người tham gia công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng như nhóm làm công tác truy vết, xét nghiệm…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia lưu ý, trong buổi tiêm chủng, cần thực hành đúng theo hướng dẫn của chương trình tiêm chủng mở rộng, mũi tiêm là mũi tiêm bắp, cán bộ y tế không được lắc lọ vaccine theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo chất lượng vaccine tốt nhất cho mũi tiêm.
Tại các điểm tiêm chủng, phải luôn luôn chú ý có hội chứng sốc. Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất đầy đủ về phác đồ phòng, chống sốc cho người lớn, khác với Chương trình Tiêm chủng mở rộng, chỉ trang bị các phương tiện phòng, chống sốc, phác đồ phòng, chống sốc cho trẻ em.
Các trường hợp sốc phản vệ không chỉ xuất hiện trong 30 phút sau tiêm, mà có thể phản ứng muộn trong ngày đầu tiêm, do đó người được tiêm chủng cần hết sức lưu ý nếu có các biểu hiện khó chịu, bứt rút hay là vã mồi hôi, ớn lạnh... hãy liên hệ cơ sở y tế và được xử trí.
Trong quá trình tiêm chủng, luôn phải có cán bộ y tế theo dõi sức khỏe người được tiêm. Sau tiêm, người tiêm chủng phải ở lại 30 phút để theo dõi sức khỏe và báo cáo các dấu hiệu bất thường ngay với cán bộ y tế.