Cảnh giác với bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ (Monkeypox) do virus đậu mùa khỉ gây ra; bắt nguồn từ việc phát hiện ban đầu về virus trên đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu tại Đan Mạch vào năm 1958. Ca bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận tại Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970 và sau đó bệnh trở thành lưu hành ở khu vực Trung và Tây Phi.
Bệnh lây truyền sang người khi có tiếp xúc trực tiếp với máu, thịt, dịch cơ thể của động vật, người bị bệnh hoặc vật dụng nhiễm virus. Virus đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người khi có tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh như chăn, ga, gối… Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Bất cứ ai tiếp xúc gần với người có triệu chứng bệnh hoặc với động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Phần lớn người nhiễm virus có biểu hiện triệu chứng lâm sàng tương đối nhẹ, bệnh tự khỏi, không cần điều trị, hoàn toàn hồi phục sau 2 - 4 tuần. Nhưng có trường hợp có thể dẫn tới biến chứng nặng, thậm chí tử vong, chủ yếu là những nhóm có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch…. Bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn da, sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục...
Bệnh nhân cũng có thể bị viêm phổi với các triệu chứng như ho, tức ngực, khó thở... chụp phim phổi thấy rõ tổn thương; viêm não với ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, dịch não tủy biến đổi. PCR dịch não tủy dương tính với virus đậu mùa khỉ hay nhiễm khuẩn huyết biểu hiện sốt kéo dài, tổn thương các cơ quan phủ tạng, cấy máu mọc vi khuẩn.
Theo các chuyên gia, bệnh diễn biến theo 4 giai đoạn. Ở giai đoạn ủ bệnh kéo dài từ 6 - 13 ngày (dao động từ 5 - 21 ngày), người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.
Giai đoạn khởi phát kéo dài từ 1 - 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo, người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.
Giai đoạn toàn phát thường gặp sau sốt từ 1 - 3 ngày với đặc trưng là sự xuất hiện của các ban trên da. Phát ban gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục. Ban tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao) rồi thành mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong) và mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng). Mụn này sẽ đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo.
Kích thước tổn thương da được xác định trung bình từ 0,5 - 1 cm. Số lượng tổn thương da có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.
Trong giai đoạn hồi phục, các triệu chứng có thể kéo dài từ 2 - 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Trước tình trạng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ liên tục gia tăng về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh, ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh này. Đây là mức cảnh báo cao nhất của WHO.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện không có thuốc kháng virus nào có hiệu quả cho bệnh nhân đậu mùa khỉ, việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, theo dõi và điều trị tổn thương. Tổ chức Y tế thế giới cũng không khuyến cáo việc tiêm chủng đại trà cho người dân đối với bệnh này.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh
Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong khu vực Tây Thái Bình Dương có mức nguy cơ xâm nhập của bệnh từ thấp đến trung bình. Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh, tuy nhiên khả năng xuất hiện ca bệnh trong thời gian tới hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi bệnh đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, hoạt động giao thông đi lại giữa đã được nới lỏng.
Để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ với tinh thần và giải pháp "sớm một bước, cao hơn một mức", không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, chỉ đạo thông suốt, quyết liệt, huy động các cấp, ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ và chịu trách nhiệm trước về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Để chủ động ứng phó, chẩn đoán điều trị bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch ứng phó với ba tình huống: Chưa có bệnh nhân; bệnh xâm nhập; dịch lan rộng. Đồng thời, Bộ ban hành hướng dẫn người nghi nhiễm hoặc mắc đậu mùa khỉ cách ly tại trạm y tế hoặc bệnh viện, điều trị triệu chứng, có thể dùng thêm thuốc đặc hiệu.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng...
Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
Mọi người cần tránh tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ; tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch, bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ). Khi quay trở về Việt Nam, người dân cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn; đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.