Theo đó, các đơn vị chức năng tăng cường năng lực giám sát bệnh cúm A nguy hiểm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời; nắm chắc thông tin tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, kể cả sự lưu hành virus cúm A trên các đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời để kịp thời triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu, bệnh viện và cộng đồng; xử lý triệt để các ổ dịch trên các đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời, không để lây lan sang người hoặc không để lây lan từ người sang người.
Các huyện có cửa khẩu biên giới, phối hợp các đơn vị hữu quan tăng cường giám sát hành khách nhập cảnh, nhất là đi từ vùng dịch về, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời; giám sát chặt chẽ, mở rộng việc thu thập mẫu bệnh phẩm các trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút, chuyển Viện Pasteur xét nghiệm, xác định nguyên nhân. Cùng với đó, thường xuyên cập nhật hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch cúm A, thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, điều tra người tiếp xúc và nguồn lây truyền để có kế hoạch, biện pháp phòng, chống thích hợp.
Ngành Y tế thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng hộ cá nhân cho các cán bộ y tế trong việc khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân để tránh lây nhiễm; củng cố, duy trì hoạt động của đội cơ động chống dịch tại đơn vị y tế các tuyến; thành lập các đoàn kiểm tra việc sẵn sàng phòng chống dịch bệnh tại các địa phương; dự trữ kinh phí, hóa chất, thuốc, trang thiết bị y tế; tăng cường năng lực xét nghiệm…
Các đơn vị chức tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong năm 2022, tỉnh Long An chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6); không ghi nhận trường hợp mắc cúm A nguy hiểm trên người.