Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đối tượng ưu tiên tiêm COVID-19 trong đợt 5 là những người được xác định mắc các bệnh nền (thận mạn tính, phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường); người trên 65 tuổi; người thuộc diện chính sách, có công và đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế; người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế; người tham gia trực tiếp phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tổ COVID-19 cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...).
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng ưu tiên tiêm cho những người có nguy cơ cao, trong đó tập trung cho người nghèo.
Để tránh tình trạng tiêm không đúng đối tượng, lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, các đối tượng được quản lý chặt chẽ thông qua phần mềm. Vaccine đợt 5 có 3 loại là AstraZeneca, Pfizer và Moderna. WHO đã khuyến cáo không nên phân biệt loại vaccine.
Theo đó, đợt này, TP Hồ Chí Minh ưu tiên khoảng 50.000 liều tiêm cho những người trên 65 tuổi, 100.000 liều cho người mắc các bệnh nền như thận mạn tính, phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Những người mắc bệnh thận mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người có tình trạng béo phì và người trên 65 tuổi sẽ được tiêm ở bệnh viện; những đối tượng còn lại sẽ được tiêm ở các điểm cộng cồng.
Để công tác tổ chức tiêm chủng được thuận lợi, an toàn, kịp tiến độ, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị phòng Y tế và Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức thực hiện điều phối và đảm bảo không tập trung đông người, tuân thủ biện pháp 5K, đảm bảo quy trình 1 chiều tại các điểm tiêm. Chuẩn bị phiếu khám sàng lọc trước tiêm và vận chuyển vaccine, bơm kim tiêm đến điểm tiêm trước 7 giờ 30 phút hàng ngày.
Bên cạnh đó, các bệnh viện được phân công tổ chức tiêm vaccine tại đơn vị cập nhật ngay phần mềm để chủ động điều phối người đến tiêm trong ngày và bố trí 1 đội tiêm tại đơn vị trong những ngày đầu, các đội tiêm còn lại tham gia tiêm chủng tại cộng đồng theo kế hoạch của UBND quận, huyện.
Các điểm tiêm cộng đồng tại Trạm y tế được bố trí sẵn xe cấp cứu gồm 1 tài xế, 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị cấp cứu, thuốc cấp cứu theo đúng cơ số quy định; đảm bảo việc cấp cứu tại chỗ và vận chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất theo điều phối của Trung tâm Cấp cứu 115.
Mỗi đội tiêm gồm: bác sĩ khám sàng lọc, điều dưỡng thực hiện kỹ thuật tiêm, 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng theo dõi sau tiêm, 1 nhân viên hành chính được tập huấn về an toàn tiêm chủng.
Những người đã hoàn thành mũi tiêm sẽ được cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 ngay tại buổi tiêm.