Như vậy, trong tổng số 24 mẫu bệnh phẩm lấy từ những người tiếp xúc với ca bạch hầu đã tử vong, đến thời điểm này xác nhận có 16 ca nhiễm bệnh bạch hầu, tất cả đều là người làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa.
Hiện tất cả các ca nhiễm đều đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi Gia Lai.
Đối với công tác điều trị bạch hầu, tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai đang trực tiếp điều trị cho 11 trường hợp, trong đó có 8 trường hợp dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, 2 trường hợp đang chờ kết quả và 1 trường hợp âm tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu. Hiện công tác điều trị, theo dõi các ca bệnh đang được các y, bác sĩ đặc biệt quan tâm.
Theo bác sĩ Từ Thị Mai Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai, các ca đang điều trị đang tạm ổn, chưa có trường hợp nào biến chứng và đang được điều trị theo phác đồ chung của Bộ Y tế.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, công tác điều trị bệnh bạch hầu đang gặp nhiều khó khăn. Tại đây đang trực tiếp điều trị cho 14 ca bệnh, trong đó có 4 ca dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, 9 ca chưa có kết quả xét nghiệm.
Theo bác sĩ Sô Song Hương Ly, Quyền Trưởng khoa Chuyên khoa I Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, dấu hiệu sinh tồn của các ca bệnh bạch hầu ở đây đều ổn, tuy nhiên có một ca bệnh có biểu hiện, triệu chứng bệnh nổi trội hơn.
Về công tác phòng, chống dịch tại xã Hải Yang, huyện Đak Đoa, bà Mai Thị Nhung, Bí thư Đảng ủy xã Hải Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết: Toàn bộ làng Bông Hiot hiện đã được cấp phát thuốc, phun khử trùng tiêu độc. Trong hai ngày 8 - 9/7 sẽ tiếp tục cấp phát thuốc điều trị dự phòng cho trên 4.600 hộ dân trong toàn bộ xã Hải Yang. Đồng thời, tiến hành phun khử trùng tiêu độc cho toàn bộ xã; triển khai các chốt kiểm dịch, kiểm soát người ra vào, hạn chế đến mức tối đa sự di chuyển của người dân trong xã ra ngoài và từ ngoài vào trong xã, đảm bảo không để dịch lây lan ra bên ngoài.