Việc khám sàng lọc các loại bệnh với các di chứng hậu COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang được tổ chức hàng ngày tại 2 phòng khám. Tham gia việc khám và điều trị là các bác sĩ đã có thời gian làm công tác cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại Trung tâm hồi sức cấp cứu COVID-19 tỉnh và đã được tập huấn chuyên môn về di chứng chứng hậu COVID-19.
Theo nhận định của Trung tâm hồi sức cấp cứu COVID-19 tỉnh Tiền Giang, khi những bệnh nhân mắc COVID-19 là những người có sẵn bệnh nền như: bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính… sẽ có nguy cơ bị nặng hơn đối với các tổn thương vốn có. Ngoài ra, bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nặng, nguy kịch, sau khi đã được điều trị (xét nghiệm âm tính) thì các vấn đề về hậu COVID-19 sẽ nhiều và trầm trọng hơn, vẫn có nguy cơ tử vong.
Ngành Y tế khuyến cáo các F0 nằm viện, có viêm phổi, được điều trị chăm sóc tích cực thì sau khi ra viện, bác sĩ sẽ hẹn tái khám định kỳ 4 tuần hay 8 tuần. Còn nhóm F0 nhẹ không phải nhập viện chỉ đi tái khám khi có triệu chứng hậu COVID-19.
Theo Sở Y tế Tiền Giang, trong ngày 14/4, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 159 ca dương tính với SARS-CoV-2 (giảm 206 ca so với ngày hôm trước). Tổng số người dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh đến nay là 171.298 người.
Tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 2 đối với người từ 18 tuổi trở lên tại Tiền Giang đến nay là trên 103% và 80,9% đã tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại; nhóm trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine đạt trên 98,8%. Hiện nay, các địa phương đã thống kê số lượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi để chuẩn bị cho công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 ngay khi được cấp vaccine.
Theo đánh giá của Sở Y tế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giảm mạnh, số ca mắc mới qua test nhanh là học sinh có chiều hướng giảm theo nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại. Ngành Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt tại các trường học.