Thông tin về tình dịch bệnh trong tuần qua, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, trong tuần 37, Thành phố ghi nhận 95 ca sởi, tăng 15,2% so với trung bình 4 tuần trước đó. Có 10 quận, huyện có số ca mắc tăng gồm thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, Quận 5, Nhà Bè, Tân Bình, Quận 3, Cần Giờ, Hóc Môn, Quận 6 và Phú Nhuận.
Bên cạnh đó, ghi nhận tại 4 bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh, số bệnh nhân sởi nhập viện tăng nhẹ 4% so với trung bình 4 tuần trước đó, không có trường hợp tử vong.
Về dịch sởi trong trường học, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, trong tuần 37 năm 2024, ghi nhận có 9 trường học tại 6 quận, huyện có ca sởi mới gồm huyện Bình Chánh, Tân Bình, Quận 4, Quận 8, thành phố Thủ Đức và Bình Tân. Tích luỹ từ đầu mùa dịch đến nay, thành phố có 55 trường học có ca bệnh sởi, trong đó 25 trường học đã kết thúc theo dõi theo quy định; còn 30 trường học đang trong thời gian theo dõi ( 21 ngày).
“Hiện nay, dịch sởi trong cộng đồng và trường học đang có dấu hiệu chững lại, đây là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, các quận, huyện như Củ Chi, Hóc Môn, thành phố Thủ Đức, Quận 12 có số ca bệnh tăng mạnh nhưng tiến độ tiêm chủng còn chậm. Các quận, huyện này cần phải tăng cường rà soát và tích cực tổ chức tiêm, đẩy nhanh tiến độ tiêm hơn”, ông Tâm nói.
Còn về chiến dịch tiêm chủng, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nên số lượng mũi tiêm cũng đã tăng 1,8 lần so với tuần trước đó. Từ đầu chiến dịch đến nay, các bệnh viên, cơ sở y tế thành phố đã tiêm được 76.993 mũi tiêm. Trong đó, có hơn 31.000 mũi tiêm cho trẻ từ 1- 5 tuổi, chiếm hơn 62% tổng số trẻ trong độ tuổi cần tiêm; trẻ từ 6 -10 tuổi được tiêm 39.745 mũi, chiếm tỷ lệ 22,3% trên tổng số trẻ cần phải tiêm.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, việc phát hiện và xử lý nhanh các ổ dịch mới phát sinh là điều vô cùng cần thiết. Để thực hiện điều này, Sở Y tế đã quyết định thành lập 12 tổ phản ứng nhanh theo khu vực địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Đây là biện pháp cấp bách giúp giải quyết hiệu quả các ổ dịch sởi bùng phát tại trường học, nơi tập trung đông học sinh, dễ có nguy cơ lây nhiễm cao. Bên cạnh đó, Thành phố còn thành lập 4 tổ kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi trên toàn thành phố về công tác tiêm chủng, truyền thông, cũng như quy trình ứng phó với dịch sởi.
Tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thuý cho rằng, tình hình dịch bệnh có nhiều tín hiệu tích cực, ca nhiễm đi ngang nhưng vẫn còn nhiều quận, huyện có số ca mắc cao, nhất là các quận, huyện vùng ven, nơi có công nhân ở trọ đông, nhiều trẻ từ nơi khác đến.
Theo đó, bà Thuý đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp với công an rà soát số trẻ 1-10 tuổi sinh sống trên địa bàn, xác định tiền sử tiêm chủng của trẻ để vận động đi tiêm; đồng thời yêu cầu các địa phương cần đẩy nhanh tiêm vaccine và quyết dập dịch trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn cho trẻ. Cố gắng đến giữa tháng 10 có thể công bố hết dịch.
Ngày 16/9, Sở Y tế nhận được Công văn của Công ty Cổ phần y tế Chấn Văn về việc đăng ký tham gia Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi tại các cơ sở trực thuộc, là các điểm tiêm thuộc phòng khám chuyên khoa nhi, chuyên khoa phụ sản. Công ty cam kết sẽ tiếp nhận vaccine phòng, chống dịch sởi do các Trung tâm y tế cấp và tiêm miễn phí cho trẻ em từ 1 - 10 tuổi theo hướng dẫn của ngành y tế.
Ngay sau nhận được sự chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã tổ chức tập huấn cho 52 cơ sở của Công ty về quy trình phối hợp triển khai tiêm vaccine phòng chống dịch sởi vào chiều ngày 17/9/2024.
Như vậy, kể từ ngày 18/9/2024, 52 cơ sở tiêm chủng của Công ty Cổ phần y tế Chấn Văn sẽ bắt đầu tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi miễn phí cho trẻ em từ 1 - 10 tuổi trên địa bàn thành phố, kể cả Thứ Bảy, Chủ nhật; nâng tổng số cơ sở tiêm chủng tư nhân trên địa bàn thành phố tham gia chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi là 112 cơ sở.