Theo đó, TP Hồ Chí Minh đã được phân bổ hơn 54.000 liều vaccine Pfizer và 1 triệu liều vaccine Moderna. Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm chủng số vaccine này. Trong đợt tiêm chủng lần thứ 5, TP Hồ Chí Minh sẽ thay đổi thứ tự đối tượng ưu tiên tiêm, cụ thể là tập trung tiêm cho những người có bệnh lý nền; những người trên 65 tuổi; người nghèo, đối tượng chính sách. Để triển khai tiêm vaccine cho đúng các đối tượng trên, Sở Y tế sẽ phối hợp với các quận, huyện lập danh sách cụ thể.
Dự kiến việc tiêm vaccine diễn ra trong thời gian từ 2-3 tuần. Thành phố sẽ lập điểm tiêm tại 312 trạm y tế quận, huyện và mỗi quận, huyện sẽ tổ chức thêm một địa điểm tiêm khác. Thành phố dự kiến tổ chức 630 điểm tiêm, dự kiến tiêm cho 120 người/điểm tiêm/ngày. Để đảm bảo giãn cách, thời gian tiêm sẽ diễn ra trong các khung giờ 8 giờ-13 giờ, 15 giờ-20 giờ hàng ngày trong suốt thời gian triển khai.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đang tổng hợp nhu cầu và nghiên cứu đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho các "shipper". Hiện có 10.000 tài xế đã được tiêm vaccine, trong đó có 4.000 tài xế xe tải, 6.000 tài xế xe taxi, xe buýt.
Liên quan đến sự việc ùn tắc giao thông tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) vào sáng 12/7, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho biết, để giải quyết tình trạng này, Sở phối hợp với quận Gò Vấp cũng như các quận, huyện khác linh hoạt trong quá trình lập, hoạt động tại các chốt, trạm phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, Sở tiến hành phân luồng, điều phối giao thông từ xa; tổ chức phân luồng tạo làn riêng (làn xanh) và ưu tiên kiểm tra nhanh đối với các phương tiện đã được Sở cấp giấy nhận diện.
"Hiện việc chấp hành Chỉ thị 16 trên địa bàn Thành phố rất tốt khi lưu lượng giao thông giảm từ 70-86%. Chúng tôi sẽ phối hợp để không tái diễn việc ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát trong thời gian tới" - ông Trần Quang Lâm khẳng định.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết thêm, trong những ngày qua, hầu như chốt nào trên địa bàn quận cũng ghi nhận người dân ra đường không có lý do chính đáng, khiến các cơ quan chức năng phải xử phạt.
Tính từ 0 giờ ngày 9/7 đến 17 giờ ngày 12/7, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hơn 7.000 cuộc kiểm tra việc chấp hành Chỉ thị 16, qua đó lập biên bản xử phạt hành chính 1.243 vụ với số tiền phạt là hơn 3 tỷ đồng. Riêng từ 17 giờ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 12/7, số tiền phạt là 2,289 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với hai ngày đầu.