Thỏa thuận giữa Facebook và Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ chính thức có hiệu lực sau khi được một thẩm phán liên bang thông qua hôm 23/4. Bên cạnh khoản phạt này, thỏa thuận cũng yêu cầu Facebook tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư, cung cấp các báo cáo hàng quý về việc thực hiện thỏa thuận và thành lập một ban giám sát độc lập. Một số nhà hoạt động vì quyền riêng tư không chấp nhận thỏa thuận này và kiện lên tòa vì cho rằng thỏa thuận quá nhẹ tay với Facebook sau vụ bê bối rò rỉ dữ liệu xoay quanh công ty Cambridge Analytica (Anh) ảnh hưởng tới hàng triệu người dùng hồi năm 2016.
Chủ tịch FTC Joe Simons cảm thấy hài lòng khi tòa án thông qua thỏa thuận, cho rằng đây là khoản tiền phạt lớn nhất mà một đơn vị bảo vệ người tiêu dùng từng đạt được. Ông này cũng cho biết quyết định của tòa án còn chỉ rõ biện pháp khắc phục nêu trong thỏa thuận cũng yêu cầu Facebook xem xét vấn đề quyền riêng tư trong từng giai đoạn hoạt động và đảm bảo minh bạch hơn cũng như chịu trách nhiệm trong mọi quyết định điều hành liên quan tới vấn đề này.
Trong khi đó, đại diện vấn đề quyền riêng tư của Facebook Michel Protti cho rằng các biện pháp nêu trong thỏa thuận còn vượt yêu cầu của luật pháp và có thể sử dụng như lộ trình cho việc xây dựng quy định bảo vệ quyền riêng tư một cách toàn diện.
FTC mở lại cuộc điều tra về cách Facebook quản lý dữ liệu sau khi vụ bê bối Cambridge Analytica bị phanh phui và xuất hiện nhiều thông tin tố cáo các sai phạm của "ông lớn" công nghệ của Mỹ. Facebook đã thành lập hàng chục đội chuyên phụ trách vấn đề quyền riêng tư và thuê hàng nghìn người làm việc trong các dự án liên quan tới vấn đề này. Ông Protti cho rằng chính thỏa thuận với FCA là chất xúc tác để Facebook thay đổi văn hóa công ty.