Apple đã giới thiệu tính năng nói trên tại hội nghị phát triển phần mềm được tổ chức thường niên tại San Jose, California. Apple cho biết khi người dùng đăng nhập vào các ứng dụng thứ ba bằng tài khoản Google hay Facebook của họ, các ứng dụng này thường chia sẻ dữ liệu có giá trị với Google và Facebook, một hành vi mà Apple muốn chấm dứt.
Cũng tại hội nghị nói trên, Apple đã giới thiệu các tính năng mới trong hệ điều hành của các sản phẩm iPhones, iPads và Macs, đồng thời tuyên bố sẽ “khai tử” ứng dụng iTunes sau 18 năm và thay thế bằng ba ứng dụng độc lập là Apple Music, Apple Podcasts và Apple TV.
Quyền riêng tư là chủ đề xuyên suốt hội nghị phát triển phần mềm của Apple. Trong đó, “gã khổng lồ” này đã tạo ra một hệ thống cho phép người dùng đăng nhập vào các ứng dụng với một email được tạo ngẫu nhiên để tránh lộ địa chỉ thật của họ. Nhà sản xuất iPhone còn thắt chặt kiểm soát việc theo dõi địa điểm bằng cách ngăn cản các ứng dụng quét Bluetooth và Wi-Fi để đoán địa điểm của người dùng kể cả khi họ đã tắt tính năng này.
Apple nhấn mạnh quyền riêng tư như một điểm khác biệt so với các đối thủ như Facebook và Google, khi cả hai “ông lớn” này đều dùng dữ liệu để thúc đẩy mảng quảng cáo của mình và hành vi này đã rơi vào tầm ngắm của nhiều cơ quan quản lý.
Giới phân tích nhận định rằng Apple sẽ không thể thu được tiền trực tiếp từ các dịch vụ mới nói trên. Thay vào đó, ông Ben Bajarin, chuyên gia phân tích của công ty Creative Strategies cho biết những tính năng như "Đăng nhập với Apple" có thể sẽ khiến người dùng trung thành với các sản phẩm của hãng vì nó giúp việc đăng nhập trở nên dễ dàng hơn mà không phải đổi mật khẩu nhiều lần.