Đây là hoạt động nhằm triển khai Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin”.
Theo đó, tại xã Hồng Phong (huyện Nam Sách) có 1.701 hộ dân với dân số 6.100 người, hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông được đầu tư với tổng kinh phí 240 triệu đồng. Hệ thống gồm 13 bộ thu phát thanh sử dụng sim 3G/4G, miễn phí thuê bao 12 tháng, với 12 loa công suất 25W/loa để phủ sóng 100% các hộ dân trên toàn bộ 5 thôn của xã; 1 bộ máy vi tính đi kèm theo phần mềm quản trị, biên tập nội dung, chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói; 1 micro để bàn; một số cụm loa được treo trên các cột kẽm đầu tư mới, một số cụm loa được mắc trên cột điện, nóc nhà văn hóa thôn.
Còn tại phường Trần Phú (thành phố Hải Dương) có trên 7.000 dân, hệ thống được đầu tư 12 bộ thu phát thanh sử dụng sim 3G/4G, miễn phí thuê bao 12 tháng, với 36 loa công suất 25W/loa để phủ sóng 100% các hộ dân trên toàn bộ 7 tổ dân phố trong phường; 1 bộ máy vi tính đi kèm theo phần mềm quản trị, biên tập nội dung, chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói; 1 micro để bàn.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước có trên 9.500 đài truyền thanh cơ sở, đạt tỷ lệ 90% xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh. Đài truyền thanh cơ sở hiện nay sử dụng hai loại công nghệ truyền thanh hữu tuyến (có dây) và truyền thanh vô tuyến (không dây, FM). Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển hiện nay, công nghệ truyền thanh này đã trở nên lạc hậu.
Truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông là giải pháp công nghệ mới, hiện đại, sử dụng thiết bị truyền thanh sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh, kết nối dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, internet.
Giải pháp này có nhiều ưu điểm hơn so với truyền thanh có dây, truyền thanh không dây FM như: không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh, khắc phục được các lỗi xảy ra với các hệ thống tiếp âm sóng FM như bị nhiễu, sóng không ổn định do thời tiết; ứng dụng công nghệ số để sản xuất, lưu trữ và quản lý chương trình phát thanh. Truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông sử dụng trí tuệ nhân tạo trong một số khâu như chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói, dịch tự động tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, giải pháp này cũng giải quyết được bài toán thiếu nhân lực quản lý, vận hành đài truyền thanh cơ sở.
Hai mô hình điểm tại tỉnh Hải Dương cùng với một mô hình tương tự đã được bàn giao tại xã Phú Nghĩa (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) là 3 mô hình điểm đại diện cho 3 khu vực miền núi, đồng bằng và đô thị. Trên cơ sở này, các địa phương khác có thể tham khảo, áp dụng để từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, thực hiện chuyển đổi số để phổ biến thông tin thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống người dân một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất, chính xác nhất.