Hiện Việt Nam đang thực hiện cách ly xã hội, giảm tiếp xúc trực tiếp, rất nhiều người lao động đã chuyển sang làm việc trực tuyến, làm việc từ xa, học sinh, sinh viên học tập tại nhà… khiến nhu cầu internet tăng cao hơn nữa. Để đảm bảo các hoạt động trên nền tảng sử dụng internet diễn ra thông suốt, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn Thông, các nhà mạng viễn thông và các công ty công nghệ thông tin tại Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp tích cực.
Gia tăng các hoạt động sử dụng lưu lượng internet
Ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tại Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông luôn chuẩn bị các phương án, giải pháp trong trường hợp thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. Đây là thời điểm mà các đơn vị viễn thông thường hoạt động hết công suất để hỗ trợ tối đa hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trong tình hình ứng phó với dịch COVID-19, các doanh nghiệp viễn thông đã tích cực, chủ động tham gia thực hiện tốt nhiều giải pháp hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Hệ thống giao ban trực tuyến tại 23 đầu cầu từ Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đến các bệnh viện đã được Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Quân đội Viettel triển khai thực hiện. Đến nay, các điểm cầu này vẫn hoạt động thông suốt, đảm bảo thông tin về dịch bệnh được phổ biến liên tục. Các nhà mạng viễn thông đã liên tục tổ chức các đợt nhắn tin tuyên truyền với hơn 13 tỷ tin nhắn gửi đến các thuê bao di động, cập nhật thông báo, thông tin mới nhất về dịch bệnh đến từng người dân.
Đường dây nóng y tế với 2 số điện thoại 1900 9095 và 1900 3228 được thiết lập và miễn phí cước gọi để phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Tổng đài này đã tiếp nhận và giải đáp hơn 300.000 cuộc gọi với tỷ lệ kết nối thành công hơn 99%. Các nhà mạng cũng tham gia phát động chương trình nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19” qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 để cộng đồng xã hội chung tay ủng hộ nguồn lực phòng, chống dịch.
Ngày 11/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 13/CT- TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, yêu cầu các đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, học tập, khai báo điện tử, kiểm soát dịch bệnh. Người dân được hướng dẫn và khuyến khích để tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Hiện các cấp, các ngành đang tăng cường, đẩy mạnh việc sử dụng dịch vụ trên nền tảng trực tuyến như dịch vụ công trực tuyến, các giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, dạy và học trực tuyến, y tế từ xa, hội nghị trực tuyến, làm việc từ xa…
Với những thay đổi này, hiện lưu lượng dữ liệu phát sinh từ các dịch vụ trực tuyến, các nhu cầu lắp đặt thuê bao mới dự báo sẽ có sự tăng trưởng đột biến. Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ có sự dịch chuyển nguồn lưu lượng về phía kết cuối thuê bao tại các hộ gia đình cũng như thay đổi về chu kỳ giờ cao điểm sử dụng internet, lưu lượng đỉnh của sử dụng mạng trong ngày…
Theo thống kê của Cục Viễn thông, lưu lượng lưu chuyển dữ liệu di động qua trạm trung chuyển internet quốc gia (VNIX) tăng đến 40% trong thời gian vừa qua. Đặc biệt tại các khu vực tập trung cách ly trong cả nước, lưu lượng sử dụng internet trong tháng 3/2020 tăng đột biến tới 90% so với tháng 2/2020, tập trung chủ yếu vào lưu lượng từ các ứng dụng hội nghị, làm việc trực tuyến, dạy và học trực tuyến, giải trí trực tuyến. Tại nhiều nước trong khu vực, lưu lượng truy cập các trang thông tin điện (website) tăng khoảng 50%.
Nhiều biện pháp đồng bộ
Ngày 20/3, Cục Viễn thông, Bộ thông tin và Truyền thông đã có công văn số 1053/CVT-CL nhằm đảm bảo chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến trong tình hình mới, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu từ các dịch vụ trực tuyến của các cấp, các ngành và người dân.
Nhằm đảm bảo chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông, Cục Viễn thông đã đề nghị các doanh nghiệp tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng băng rộng, mở rộng dung lượng băng thông kết nối internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển internet quốc gia (VNIX), mở rộng kết nối internet khu vực và quốc tế. Các nhà mạng viễn thông cần tăng vùng phủ băng rộng tới cấp huyện, xã để đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến tại khu vực vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, các đơn vị viễn thông khẩn trương nâng cấp, bảo đảm kết nối internet băng rộng tại các khu vực cách ly tập trung, cơ sở y tế đang thực hiện cách ly, điều trị để phòng và xây dựng phương án dự phòng cơ động, nhanh chóng bổ sung dung lượng, điểm kết nối internet cho các khu vực dân cư cách ly, phong tỏa.
Nhà mạng Vinaphone đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng. Ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Truyền thông Tổng công ty Vinaphone cho biết: Từ ngày 1/3/2020, nhà mạng Vinaphone thực hiện nâng gấp đôi tốc độ internet, giá không đổi đối với gói dịch vụ dành cho các gia đình sử dụng gói cước sử dụng internet kết hợp với dịch vụ truyền hình. Gia tăng ưu đãi về dung lượng dữ liệu internet và cuộc gọi để người dùng có được tốc độ tốt hơn, thời hạn dùng nhiều hơn.
Nhà mạng Vinaphone cũng chủ động giảm giá 20% một số gói cước cho phép học sinh, sinh viên theo dõi các bài giảng trực tuyến tại nhà với chất lượng tốt, học lại, xem lại trong 72 giờ sau khi trường trình kết thúc. Các chương trình khuyến mại nạp thẻ, giảm thanh toán cước qua ví điện tử được triển khai để hỗ trợ khách hàng, khuyến khích khách dùng thử miễn phí đối với các tiện ích học trực tuyến, làm việc trực tuyến... Trong thời gian tới, nhà mạng Vinaphone sẽ tiếp tục triển khai ưu đãi về giá cước cuộc gọi, dung lượng internet... cho người dùng.
Đại diện nhà mạng Viettel cũng chia sẻ: Cho đến khi Nhà nước công bố hết dịch COVID-19, Viettel tặng gói ưu đãi dịch vụ viễn thông cho cán bộ y tế, đội ngũ phục vụ công tác hậu cần, công an, quân đội, tình nguyện viên tại các khu cách ly. Đồng thời, người dân ở các khu cách ly tập trung cũng được hỗ trợ gói ưu đãi dịch vụ trong 14 ngày để giữ liên lạc với người thân.
Bên cạnh các ưu đãi về dịch vụ, Viettel cũng tập trung nâng cao chất lượng mạng lưới tại các khu cách ly tập trung trên toàn quốc để phục vụ nhu cầu liên lạc, giải trí, kết nối công việc cho người dân. Cụ thể, tại 178 điểm cách ly tập trung tại 54 tỉnh, thành phố đã được giám sát, Viettel đã bổ sung nâng cấp tài nguyên, hạ tầng và triển khai các xe phát sóng lưu động, bố trí tổ chức lực lượng giám sát mạng lưới hàng ngày và ưu tiên xử lý các sự cố phát sinh.
Trước đó, nhằm hỗ trợ nhu cầu giải trí cũng như học tập trong mùa dịch, Viettel đã miễn phí dịch vụ 3G/4G khi khách hàng giải trí xem phim, nghe nhạc trên ứng dụng MyViettel và khi học tập trực tuyến trên ứng dụng ViettelStudy. Viettel cũng triển khai các tính năng trực tuyến để hỗ trợ khách hàng giảm thiểu việc đi lại, tiếp xúc trong mùa dịch như miễn phí giao dịch chuyển khoản qua ứng dụng ViettelPay, kí hợp đồng trực tuyến qua MyViettel…
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, trong huống dịch bệnh như thế này, các nhà mạng cần dự báo và có kế hoạch nâng cấp dung lượng quản lý chất lượng, mở rộng hạ tầng băng thông, đường truyền mạng. Đặc biệt, nhà mạng phải có phương án sẵn sàng cho các tình huống cần sử dụng mạng internet ở những điểm "nóng" của dịch bệnh. Tuy nhiên, người dùng internet cũng cần lưu ý để việc sử dụng mạng được hiệu quả, tránh việc lãng phí. Cụ thể, người dùng không nên cùng một lúc truy cập vào nhiều địa chỉ website. Bởi vì cách truy cập như vậy không chỉ tốn dung lượng, tốn kém tiền bạc mà còn gây ảnh hưởng đến những người cần sử dụng mạng khác.
Trong thời điểm dịch bệnh như hiện, nhu cầu sử dụng mạng internet ngày càng gia tăng. Do đó, bên cạnh việc các nhà mạng viễn thông nỗ lực tăng dung lượng, mở rộng đường truyền internet, giảm giá cước, tăng khuyến mại để hỗ trợ người dân thì bản thân mỗi người dùng mạng internet cần có ý thức sử dụng nguồn tài nguyên này hợp lý, góp phần tránh những bất cập khi quá tải đường truyền, giảm tốc độ truy cập mạng… ảnh hưởng đến công việc và các hoạt động xã hội.