Dẫn lời ông Kevin Ho – Chủ tịch mảng di động của Huawei, đài Sputnik cho biết công nghệ cần thiết để khởi chạy hệ điều hành di động HarmonyOS của tập đoàn đã sẵn sàng, song chương trình này đang thiếu hệ sinh thái.
Hệ sinh thái là khái niệm về một mạng lưới rộng khắp gồm các thiết bị và dịch vụ có khả năng liên kết chặt chẽ với nhau, từ phần cứng đến cả phần mềm. Khả năng đồng bộ dễ dàng mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng trong cả giải trí lẫn công việc, thay đổi hoàn toàn trải nghiệm thường thấy trong cuộc sống thường ngày.
Phát biểu tại diễn đàn công nghệ TechCrunch Thâm Quyến 2019, ông Ho khẳng định tập đoàn đang hợp tác với các nhà phát triển phần mềm, xây dựng các ứng dụng cần thiết để hoàn thiện hệ điều hành mới.
Hệ điều hành HarmonyOS, ra mắt vào tháng 8 vừa qua, được dự kiến sẽ trở thành hệ điều hành thay thế cho Android của Google.
Trước đó, các thiết bị điện tử của Huawei đều cài đặt hệ điều hành Android. Tuy nhiên, giữa tháng 5, Huawei bị chính quyền Mỹ liệt vào “Entity List” (Danh sách Thực thể), đồng nghĩa với việc các công ty Mỹ phải xin giấy phép nếu muốn cung cấp các công nghệ và sản phẩm Mỹ cho Huawei. Sau lệnh cấm, một loạt công ty công nghệ lớn như Google, Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom tuyên bố cắt đứt mọi thỏa thuận kinh doanh với Huawei liên quan đến việc chuyển giao phần cứng và phần mềm.
Với lệnh nới lỏng trừng phạt tạm thời, người tiêu dùng sử dụng các mẫu điện thoại đời cũ vẫn có thể sử dụng các ứng dụng của Google trên thiết bị.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang Business Insider, Vincent Pang - Phó Chủ tịch Huawei - cho biết trong 7 đến 9 tháng tới, tập đoàn sẽ quyết định liệu xem có tiếp tục phát triển hệ điều hành HarmonyOS cho điện thoại của hãng hay không.
Hồi tháng 10, tạp chí Financial Times dẫn các quan chức giấu tên của Huawei, phải mất vài năm để tập đoàn có thể phát triển các phần mềm thay thế dịch vụ của Google.
Theo lời giới thiệu của Huawei, HarmonyOS sẽ là một nền tảng "tất cả trong một", cho phép các nhà phát triển phần mềm lập trình ứng dụng chạy được trên tất cả các thiết bị Huawei. Ông Kevin Ho cho biết tập đoàn chưa có bất kỳ kế hoạch nào phát triển các thiết bị trong tương lai chạy trên HarmonyOS. Hệ điều hành này mới chỉ dự kiến tích hợp trên TV Huawei - Vision, Honor Vision và Honor Vision Pro.
Lệnh cấm của Mỹ nhằm vào Huawei là một phần trong cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, khi cả hai bên liên tục đưa ra những đòn trả đũa qua lại bằng thuế. Thương chiến đã làm đảo lộn thị trường toàn thế giới và nền kinh tế toàn cầu.
Kể từ sau khi bị Mỹ liệt vào "danh sách đen", Huawei ra lệnh cho bộ phận sáng tạo phần mềm của công ty làm việc ở chế độ hết công suất – 24/7 – để đưa ra sáng kiến, tìm hệ điều hành thay thế nền tảng Android của Google. Tập đoàn đã đầu tư 10 tỷ nhân dân tệ vào một trung tâm nghiên cứu tại quận Qingpu, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), tuyển dụng 30.000 đến 40.000 công nhân để giúp công ty tự tạo ra các linh kiện chính cho sản phẩm tiêu dùng cũng như các thiết bị công nghệ thông tin, nhằm giảm sự phụ thuộc vào các công ty công nghệ Mỹ.
Theo Bloomberg, nếu không vì các lệnh trừng phạt Mỹ, Huawei có lẽ đủ sức cạnh tranh với ông lớn công nghệ Hàn Quốc Samsung giành vị trí nhà sản xuất điện thoại di động đứng đầu thế giới. Doanh thu quý ba năm nay của tập đoàn tăng 24,4% so với năm 2018 và doanh số điện thoại cũng tăng vọt.