Huawei cũng khẳng định đã "chuẩn bị sẵn sàng" để ứng phó với các lệnh trừng phạt của Washington.
Hồi tháng 6/2019, trong đánh giá đầu tiên về tác động của lệnh cấm của Mỹ, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Huawei Nhậm Chính Phi cho rằng các hạn chế thương mại của Mỹ sẽ khiến doanh thu năm 2019 của Huawei giảm 30 tỷ USD. Tuy vậy, phát biểu tại cuộc họp báo nhằm giới thiệu các chip trí tuệ nhân tạo tại trụ sở công ty ở Thâm Quyến, Phó Chủ tịch Huawei Eric Xu nêu rõ tác động này dường như thấp hơn mức dự báo trên, song vẫn cần phải đợi kết quả tài chính vào tháng 3/2019 của tập đoàn.
Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thông báo sẽ hoãn lệnh cấm Huawei mua các thiết bị từ doanh nghiệp Mỹ thêm 90 ngày, đồng thời bổ sung thêm 46 công ty con của Huawei vào danh sách các thực thể bị cấm. Ông Ross nêu rõ đây là khoảng thời gian cần thiết để các doanh nghiệp viễn thông Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào Huawei và giúp hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn. Việc Mỹ bổ sung 46 công ty con của Huawei vào danh sách cấm đã nâng tổng số thực thể bị hạn chế theo danh sách này lên 100. Thời hạn chót để thực hiện lệnh cấm này là ngày 19/11 tới.
Phản ứng trước động thái này, Huawei nhấn mạnh quyết định mà Mỹ đưa ra trong thời điểm đặc biệt này là có động cơ chính trị và không liên quan đến an ninh quốc gia. Huawei cho rằng Washington không quan tâm tới lợi ích của các doanh nghiệp Mỹ và việc cản trở hoạt động kinh doanh của Huawei không giúp Mỹ đạt được vị thế dẫn đầu về công nghệ.
Cũng ngày Huawei đã “trình làng” bộ xử lý Ascend 910 - sản phẩm được tập đoàn mô tả là bộ xử lý trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh nhất thế giới, cùng nền tảng điện toán trí tuệ nhân tạo MindSpore với nhiều khả năng ưu việt. Theo Huawei, chip Ascend 910 sẽ được sử dụng trong mô hình đào tạo AI và có khả năng hoạt động tốt hơn nhiều so với dự kiến. Trước đó, Huawei đã công bố các thông số kỹ thuật dự tính của bộ xử lý AI thuộc dòng chipset Ascend-Max này vào năm 2018, như một phần trong chiến lược của công ty để xây dựng một danh mục AI toàn diện và đầy đủ.
Cũng trong ngày 23/8, Huawei đã cho ra mắt MindSpore - nền tảng điện toán trí tuệ nhân tạo nhằm hỗ trợ phát triển các ứng dụng AI phù hợp với nhiều ngữ cảnh cũng như phát triển các ứng dụng phục vụ cuộc sống. Dự kiến, MindSpore sẽ đi vào nguồn mở trong quý đầu tiên của năm 2020. Sự kết hợp giữa chip và nền tảng MindSpore sẽ cho tốc độ xử lý nhanh hơn khoảng hai lần trong các mô hình đào tạo AI so với các sản phẩm chính khác như thư viện phần mềm mã nguồn mở dành cho máy học trong nhiều loại hình tác vụ TensorFlow.