Ủy ban trên cũng phát động điều tra kỹ lưỡng về Apple Pay, trong bối cảnh có những quan ngại rằng hệ thống thanh toán dễ sử dụng và tăng trưởng nhanh chóng này đang ngăn chặn các đối thủ.
Những vụ việc trên đưa Apple trở lại "cuộc chiến" với EU 4 năm sau khi Brussels truy thu thuế "đại gia" smartphone này tới 13 tỷ euro (tương đương 14,7 tỷ USD ở tỷ giá thời điểm đó).
Trở lại với những vụ kiện hiện tại, Spotify từ năm 2019 đã chính thức khiếu kiện liên quan đến những hạn chế mà Apple áp đặt với những ứng dụng mà không dùng hệ thống thanh toán của mình. Cụ thể, Apple thu 30% phí thuê bao khi người dùng Spotify đăng ký thông qua App Store mà theo Spotify điều đó vi phạm các quy định về cạnh tranh công bằng.
Phó Chủ tịch điều hành EU, bà Margrethe Vestager nhận xét: "Dường như Apple giữ một vai trò gác cổng trong việc phân phối ứng dụng và nội dung cho người sử dụng các thiết bị của Apple. Chúng tôi cần đảm bảo rằng các qui định của Apple không bóp méo cạnh tranh trên các thị trường nơi Apple đang cạnh tranh với các nhà phát triển ứng dụng khác, ví dụ với dịch vụ âm nhạc trực tuyến Apple Music hoặc Apple Books của họ".
Về Apple Pay, ra mắt năm 2014, tiện ích này cho phép người dùng iPhone thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ bằng việc chạm các thiết bị của mình vào các thiết bị đầu cuối hiện được sử dụng cho thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Tuy nhiên bất kỳ công ty nào muốn sử dụng công nghệ này trên một iPhone, dù là ngân hàng hay hệ thống tàu điện ngầm London, đêu cần phải thông qua Apple Pay có trả phí.
Apple kiên quyết bác bỏ các vụ kiện trên đồng thời chỉ trích các đối thủ của mình. Trong một tuyên bố, hãng này nhận xét: "Điều gây thất vọng là EU đang đưa ra các đơn kiện vô căn cứ từ một ít công ty chỉ muốn miễn phí, và không chịu tuân theo cùng một quy tắc như mọi người khác. Chúng tôi không cho rằng điều này đúng. Chúng tôi muốn duy trì một sân chơi bình đẳng nơi bất kỳ ai với quyết tâm và ý tưởng lớn có thể thành công".