Năm 2020, Facebook thông báo mua Kustomer, một công ty khởi nghiệp chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp tương tác trực tiếp với khách hàng. Nền tảng Kustomer cung cấp các công cụ phần mềm giúp các doanh nghiệp nắm bắt tốt hơn tâm lý khách hàng.
EC cho biết cuộc điều tra được thực hiện theo yêu cầu của giới chức 10 quốc gia, trong đó Áo là chủ thể đứng đơn khởi kiện. Giá trị thỏa thuận thấp hơn ngưỡng tài chính đối với các thương vụ sáp nhập phải bị điều tra theo quy định của EU, tuy nhiên các nước châu Âu ngày càng cảnh giác trước các thương vụ liên quan các hãng công nghệ lớn. Trước đó, hợp đồng mua lại Fitbit, một công ty chuyên về thiết bị đeo tay thể thao, của Google cũng đã bị EU giám sát chặt chẽ, buộc hãng công nghệ Mỹ phải cam kết không lạm dụng dữ liệu để được Brussels "bật đèn xanh".
Trong thông báo đưa ra hồi tuần trước, EC yêu cầu Facebook gửi thông báo chính thức về thỏa thuận mua Kustomer cho cơ quan này, và phải được sự đồng thuận của EC thì Facebook mới có thể thể triển khai thỏa thuận trên. Ngày 18/5, Facebook khẳng định sẵn sàng chứng minh với các cơ quan quản lý rằng thỏa thuận trên không ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh và sự kết hợp của 2 công ty sẽ mang lại nhiều lựa chọn hơn và cung cấp những dịch vụ tốt hơn.
Vụ Facebook sáp nhập Kustomer trở thành tâm điểm chú ý trong bối cảnh hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ liên tục thực hiện những bước đi táo bạo nhằm đưa các dịch vụ của hãng như các ứng dụng nhắn tin trò chuyện WhatsApp và Messenger lấn sâu vào lĩnh vực thương mại điện tử. Tuần trước, một cơ quan quản lý tại Đức đã cấm Facebook thu thập dữ liệu người dùng WhatsApp trong 3 tháng. Việc thu thập dữ liệu người dùng là một phần trong nỗ lực của Facebook nhằm tăng hiệu quả hợp tác với các doanh nghiệp.
Theo Facebook, hơn 175 triệu người kết nối với các doanh nghiệp thông qua ứng dụng WhatsApp và con số này đang không ngừng gia tăng.