Báo cáo của eMarketer ước tính khoảng 56 triệu cư dân Mỹ sẽ thực hiện ít nhất một lần mua hàng trên Facebook trong năm nay, mang lại cho “gã khổng lồ” truyền thông xã hội 22,3% thị phần tại nước này.
32 triệu người khác sẽ thực hiện mua sắm trên Instagram - một nền tảng khác do Facebook sở hữu - và giúp nền tảng chiếm 12,9% thị phần. Đứng thứ ba là mạng chia sẻ hình ảnh Pinterest, với dự báo 13,9 triệu người mua hàng tại đây và chiếm 5,6% thị phần.
Theo eMarketer, doanh số từ các hoạt động thương mại trên nền tảng xã hội của Mỹ sẽ tăng 35,8% lên 36,62 tỷ USD trong năm nay. Con số này thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng 39% trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành vào năm 2020.
Báo cáo của eMarketer dựa trên doanh số bán sản phẩm hoặc dịch vụ trực tiếp, hay thông qua liên kết đến các nhà bán lẻ từ các mạng xã hội bao gồm Facebook, Instagram, Pinterest, TikTok, WeChat và cùng một số nền tảng khác. Song báo cáo không bao gồm vé đi lại, phí tham gia các sự kiện, tiền tip, quà tặng, phí chuyển tiền, hoạt động cá cược và dịch vụ ăn uống.
Ngoài ra, dù có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, Mỹ vẫn đứng sau Trung Quốc về thương mại trên các nền tảng xã hội. Dự kiến sẽ có khoảng 424 triệu người Trung Quốc mua hàng trên các nền tảng nội địa như WeChat trong năm nay.
Nhà phân tích cấp cao Jasmine Enberg của eMarketer cho biết các nhà quảng cáo Mỹ có thể tham khảo Trung Quốc để hình dung lộ trình phát triển của mảng thương mại xã hội. Vì nhiều xu hướng sẽ thúc đẩy sự phát triển của loại hình thương mại này, như mua sắm trực tiếp trên video (livestream) có bắt nguồn từ quốc gia tỷ dân.
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý môi trường xã hội và thương mại điện tử ở Mỹ phân mảnh hơn nhiều so với ở Trung Quốc. Hành vi và thái độ của người tiêu dùng hai nước đối với mua sắm kỹ thuật số, tiêu dùng trên các mạng xã hội, quyền riêng tư và thanh toán trực tuyến cũng khác nhau. Do đó, các nhà quảng cáo không nên học hỏi một cách rập khuôn.