Trong một trong những động thái quyết liệt nhất nhằm kiểm soát sức mạnh của các tập đoàn công nghệ Mỹ, Australia dự kiến sẽ buộc các tập đoàn này trả tiền cho các công ty truyền thông khi sử dụng các tin tức của họ hoặc sẽ phải chịu phạt hàng triệu USD.
Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg cho biết, các quy định mới được đề xuất lần đầu tiên vào tháng 7 này sẽ được đưa ra tại Quốc hội vào ngày 9/12 và dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm tới. Ông Frydenberg nói đây là bước cải cách lớn và là đầu tiên trên thế giới.
Luật truyền thông mới sẽ được áp dụng đối với các nội dung được đăng trên Facebook và các kết quả tìm kiếm trên Google. Các tập đoàn này sẽ buộc phải bồi thường cho các công ty truyền thông của Australia, trong đó có các đài phát thanh và truyền hình công ích ABC và SBS. Chính phủ Australia quyết định miễn áp dụng quy định mới đối với các nền tảng phổ biến khác như YouTube và Instagram.
Ban đầu, Australia đề xuất một bộ quy tắc ứng xử tự nguyện nhưng đã có quan điểm cứng rắn hơn sau khi cho rằng vị thế bất bình đẳng giữa các công ty truyền thông truyền thống và các nền tảng kỹ thuật số sẽ cản trở việc đạt được các thỏa thuận công bằng. Ông Frydenberg cho hay hai bên vẫn được khuyến khích đạt các thỏa thuận thương mại, nhưng nếu thất bại sẽ cần đến sự phân xử của một bên thứ ba.
Sáng kiến của Australia thu hút sự chú ý của thế giới, khi lĩnh vực truyền thông đang chứng kiến nền kinh tế ngày càng được số hóa, với doanh thu quảng cáo do các tập đoàn công nghệ lớn chiếm đa số.
Facebook đã cảnh báo sẽ chặn người dùng và các tổ chức truyền thông tại Australia trong việc chia sẻ thông tin nếu luật mới có hiệu lực. Trong khi đó, Google cảnh báo cách mà người Australia sử dụng công cụ tìm kiếm này sẽ bị ảnh hưởng.
Theo một báo cáo, trong mỗi 100 USD được chi cho quảng cáo trực tuyến, Google thu được 53 USD, trong khi Facebook có được 28 USD.
Cuộc khủng hoảng càng lớn hơn khi hàng chục tờ báo tại Australia phải đóng cửa và hàng trăm nhà báo mất việc trong những tháng gần đây do đại dịch.