Khinh khí cầu được bơm khí heli. |
Với dự án mang tên “Project Loon”, Google sẽ có thể chạy thử dịch vụ truyền dữ liệu liên tục đến người sử dụng nằm trong khu vực phủ sóng của hệ thống khinh khí cầu.
Thông tin về “Project Loon” của Google được đưa ra cùng thời điểm với tuyên bố ba mạng di động của Indonesia dự định bắt đầu chạy thử việc truyền dữ liệu từ dự án này vào năm sau. Trước đó, Sri Lanka cũng đã đặt bút kí một thỏa thuận khác về việc muốn trở thành một bên tham gia của dự án này.
Google lần đầu tiên tiết lộ về kế hoạch khinh khí cầu siêu áp lực “Project Loon” vào tháng 6/2013, thời điểm có khoảng 30 quả khinh khí cầu được phóng lên từ New Zealand. Theo kế hoạch của “Project Loon”, những quả khinh khí cầu sẽ được phóng lên tầng bình lưu ở độ cao 20km so với mặt đất và đạt vị trí mong muốn nhờ một phần mềm định vị. Từ đây, mỗi quả khinh khí cầu phát sóng Internet xuống angten trên mặt đất.
Mỗi quả khinh khí cầu có ba máy thu phát sóng radio, trong đó có hai máy để nhận và truyền dữ liệu, một máy dự phòng. Ngoài ra trên mỗi quả khinh khí cầu còn có một máy điều khiển hành trình, máy định vị GPS; một hệ thống kiểm soát độ cao cùng pin năng lượng mặt trời.
Theo tính toán ban đầu, hệ thống phát sóng Internet bằng khinh khí cầu này có thể truyền dữ liệu với tốc độ 3G, nhưng giờ đây thông qua hệ thống angten trên mặt đất, tốc độ thu phát của hệ thống có thể lên tới khoảng 10Mbit/giây, gần bằng tốc độ 4G trung bình tại Anh là 15Mbit/giây.
Nguyên tắc hoạt động của hệ thống cấp phát Internet bằng khinh khí cầu của Google. |
Phó chủ tịch dự án Mike Cassidy cho hay, các quả khinh khí cầu không ngừng được cải tiến, từ việc chỉ duy trì hoạt động được 5 - 10 ngày ở những ngày đầu của dự án đến chỗ nâng thời gian hoạt động lên khoảng 187 ngày như hiện nay. Quá trình phóng khinh khí cầu cũng được phát triển theo hướng rút ngắn thời gian và nhân lực, từ khoảng 1 – 2 giờ và huy động 14 người xuống còn 15 phút với sự hỗ trợ của 2 - 3 người và một cần trục tự động.
Cũng theo phó chủ tịch dự án, nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, mục tiêu triển khai 300 quả khinh khí cầu lên tầng bình lưu trong năm 2016 để tạo ra một vòng liên tục quanh Trái đất sẽ đạt được. Khi đó, việc bao phủ Internet liên tục cho một số khu vực trên Trái đất sẽ diễn ra thuận lợi.
Tuy nhiên, vì mỗi quả khinh khí cầu chỉ có khả năng cung cấp kết nối cho một khu vực mặt đất có đường kính 40km bên dưới, nên hoạt động của vòng kết nối Internet sẽ được triển khai trên khu vực nam bán cầu sẽ bị giới hạn trên một phần nhỏ của hành tinh.
Khinh khí cầu được sử dụng trong “Project Loon” là khinh khí cầu siêu áp lực, có cấu tạo là một túi nhựa kín chứa các loại khí nhẹ hơn không khí và có khả năng điều áp cao nhằm giữ thể tích của khinh khí cầu ổn định ngay cả khi có những thay đổi về nhiệt độ để khinh khí cầu duy trì độ cao lâu hơn và chính xác hơn ngay cả khi khí nguội đi vào ban đêm (Xem video dưới).
Ý tưởng này lần đầu tiên được phát triển để phục vụ cho Không lực Hoa Kỳ vào những năm 1950. Chương trình có tên Ghost ra đời sau đó dẫn đến việc các quả khinh khí cầu siêu áp suất được phóng lên từ Christchurch, New Zealand để thu thập dữ liệu gió và nhiệt đột ở những khu vực khó tiếp cận của hành tinh.
Trong thập kỉ sau đó, có 88 quả khinh khí cầu đã được phóng lên, thời gian hoạt động lâu nhất của một quả khinh khí cầu vào thời điểm đó là 744 ngày. Gần đây, NASA đã thử nghiệm công nghệ này và dự báo trong tương lai, các quả khí cầu siêu áp suất có thể được sử dụng trên bầu khí quyển của sao Hỏa.
Theo Google, so với việc phát sóng Internet thông qua vệ tinh, hệ thống khinh khí cầu rẻ hơn trong việc duy trì hoạt động. Tuy nhiên Google cũng đang xem xét các phương án khác như sử dụng thiết bị bay không người lái.
Facebook hiện cũng đang nghiên cứu hệ thống thiết bị bay không người lái tương tự. Trước đó, ngày 6/10, ông chủ của Facebook Mark Zuckerberg đã công bố dự án tiến tới cung cấp dịch vụ Internet từ vũ trụ cho những khu vực nằm ở phía nam sa mạc Sahara, châu Phi.