Trước đó, Hàn Quốc đã triển khai thí điểm dịch vụ 5G trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông Pyeongchang hồi tháng 2 năm nay. 3 hãng viễn thông di động của Hàn Quốc đã tham gia hoạt động này.
Điểm mạnh nhất của mạng 5G là "siêu nhanh", "gián đoạn tín hiệu ở mức tối thiểu", nên có thể khắc phục hạn chế về khoảng cách ở hầu như mọi lĩnh vực. Theo đó, sẽ không còn xảy ra hiện tượng gián đoạn khi truyền dữ liệu, một điều rất quan trọng để áp dụng các công nghệ như xe tự lái, phẫu thuật từ xa. Ngoài ra, các dịch vụ truyền thông công nghệ số như thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR), sẽ càng được thúc đẩy hơn nữa.
Các hãng viễn thông Hàn Quốc lên chiến lược triển khai bắt đầu bằng việc cung cấp dịch vụ nhà máy thông minh sử dụng môi trường mạng 5G, đưa các dịch vụ liên quan trở thành động lực tăng trưởng mới.
Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng thông thường nào cũng có thể sử dụng ngay lập tức dịch vụ mạng 5G. Việc xây dựng mạng lưới 5G ở 6 tỉnh thành lớn như Seoul và khu vực lân cận thủ đô sẽ được hoàn tất vào tháng 3 năm sau. Phải tới khi đó, điện thoại di động dùng mạng 5G mới được ra mắt.
Các nhà mạng cũng đang lập kế hoạch về gói cước mạng 5G. Khu vực phủ sóng mạng 5G dự kiến sẽ được mở rộng ra toàn bộ các thành phố lớn trên toàn quốc vào cuối năm sau.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Chính phủ Hàn Quốc cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hoàn chỉnh đối với một xã hội "siêu kết nối", khi mà con người, đồ vật, máy móc đều được kết nối qua mạng 5G.
Tháng trước, các dịch vụ viễn thông đã rơi vào hỗn loạn sau vụ hỏa hoạn xảy ra ở công ty viễn thông KT, cho thấy Hàn Quốc vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng cho một xã hội "siêu kết nối".