Nghiên cứu trên cho biết "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ IBM hiện đứng đầu về số lượng bằng sáng chế AI, với 8.920 bằng sáng chế, tiếp theo sau là tập đoàn Microsoft với 5.930 bằng và một nhóm các tập đoàn công nghệ lớn của Nhật Bản.
Trung Quốc chiếm 17 trong số 20 viện hàng đầu tham gia cấp bằng sáng chế AI và đặc biệt mạnh trong lĩnh vực đang tăng trưởng rất nhanh là "học sâu" (deep learning), một loại công nghệ học máy, như các hệ thống nhận dạng lời nói.
Phát biểu tại họp báo, Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry cho biết: "Mỹ và Trung Quốc hiển nhiên đã chiếm vị trí hàng đầu. Họ đang ở đầu chiến tuyến trong lịch vực này, về cả mặt số lượng đăng ký sáng chế lẫn các công bố phát minh khoa học".
Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc đánh cắp nhiều phát minh và công nghệ của Mỹ, và áp thuế thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 234 tỷ USD để trừng phạt Bắc Kinh. Tháng 12/218, Trung Quốc đã kịch liệt phản đối những cáo buộc "vu khống" của Mỹ và các đồng minh, trong đó chỉ trích Trung Quốc do thám kinh tế, đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và bí mật của các công ty.
Ông Gurry thừa nhận tồn tại các cáo buộc về cách hành xử của Trung Quốc, song nhấn mạnh: "Không nghi ngờ gì nữa, họ (Trung Quốc) là người chơi quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ" với số lượng lớn nhất các đề nghị công nhận bằng sáng chế trong nước.
Nghiên cứu của WIPO cũng nhận thấy một thực tế là số hồ sơ đăng ký bằng sáng chế AI từ năm 2013 nhiều tương đương số hồ sơ trong một nửa thế kỷ qua kể từ khi khái niệm này xuất hiện trong những năm 50 của thế kỷ trước. Số đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực máy học, bao gồm các công nghệ sử dụng trong dịch vụ xe chung nhằm giảm tắc đường, đã tăng trưởng trung bình 28%/năm từ năm 2013 -2016. Đa số sự tăng trưởng này đến từ công nghệ học sâu, vượt qua công nghệ robot, với 2.399 đăng ký bằng sáng chế trong năm 2016 so với mức 118 đăng ký sáng chế của năm 2013. Ứng dụng AI đơn lẻ nổi tiếng nhất là thị giác máy tính, sử dụng trong các xe tự lái.
Tổng Giám đốc WIPO nêu rõ nghiên cứu trên đã cho thấy công nghệ đi sau khoa học như thế nào. Cụ thể là sự bùng nổ các ứng dụng công nghệ từ năm 2013, 10 năm sau một sự bùng nổ tương tự của các công bố phát minh khoa học. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng thế giới không có cách nào đáng tin cậy để đánh giá chất lượng của các ứng dụng sáng chế.