“Đếm trên đầu ngón tay”
Làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ trên trên nhiều lĩnh vực, cùng với đó đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và bước đầu gặt hái thành công.
Đơn cử như mới đây, dự án Giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo chuyển đổi văn bản tiếng Việt sang giọng nói tự nhiên Vbee (giải pháp Vbee TTS) của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải pháp Xử lý Dữ liệu Vbee đã giành giải Nhì Nhân tài Đất Việt 2018. Đây là dịch vụ đầu tiên tại Việt Nam được công bố và áp dụng thành công trí tuệ nhân tạo học máy vào ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt, cho kết quả giọng nói tự nhiên như con người.
Mới ra đời từ đầu năm 2018, giải pháp Vbee TTS đã được nhiều doanh nghiệp đặt hàng sử dụng, nhất là trong nhà lĩnh vực nhà thông minh, giúp cộng đồng xây dựng nội dung số bằng tiếng nói một cách tự động, nhanh và tiết kiệm. Bên cạnh đó, giải pháp này còn giúp cộng đồng người khuyết tật tiếp cận được với thông tin như người bình thường, vì VBee có thể hội thoại với robot, phát triển các kho sách nói, tiếng nói trên điện thoại thông minh, thiết bị nhà thông minh, các dịch vụ y tế, giáo dục…
Sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC) của Công ty Cổ phần Công Nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe Technology) cũng đã từng giành giải Nhân tài Đất Việt 2016. Sản phẩm SMCC đang được Tổng cục Du lịch Việt Nam, Ngân hàng BIDV, Flamingo Đại Lải, FLC… Sử dụng để quản trị truyền thông, chăm sóc khách hàng, bán hàng, tiếp thị...
Ông Lê Công Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Infore Technology cho biết: Từ sản phẩm trên, công ty đang tiếp tục nghiên cứu công nghệ ứng dụng cho người mù. AI có thể ứng dụng rất nhiều công nghệ hỗ trợ con người trong cuộc sống, đặc biệt 3 chức năng thị giác, thính giác và suy luận trí não thì máy tính đều vượt qua; đó là cơ hội lớn cho startup tạo ra rất nhiều sáng tạo.
Việt Nam hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên trong số đó, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI còn nhỏ, chưa kể những dự án khởi nghiệp thành công chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Do vậy, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam mới dừng ở bước đầu, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI hạn chế, chưa có nhiều thành tựu đột phá để giải quyết các nhu cầu của đời sống. Trong khi đó, tiềm năng ứng dụng AI ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông…
Nhiều chuyên gia đầu ngành cho rằng, Việt Nam vẫn còn “non yếu” trong lĩnh vực này không chỉ bởi trí tuệ nhân tạo vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mà thực tế doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI của Việt Nam vẫn đang gặp những khó khăn, thách thức lớn; nhất là nền tảng hạ tầng để thực hiện, và chưa có kỹ năng khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Cần đầu tư và một hành lang pháp lý
Theo ông Lê Công Thành, lĩnh vực AI quan trọng nhất là dữ liệu thì ở Việt Nam chưa có nguồn dữ liệu lớn; không có đội ngũ thẩm tra, dán nhãn dữ liệu, tinh gọn dữ liệu… Bên cạnh đó để phát triển trí tuệ nhân tạo cần hệ thống siêu máy tính thì đa phần người làm trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam phải tự sắm cáp màn hình để tự trải nghiệm.
Không chỉ thiếu cơ sở hạ tầng để triển khai, hiện nay, một thách thức không nhỏ khiến nhiều startup không dám dấn thân đó là ngoài việc đưa dữ liệu vào chuyên ngành, người làm AI phải thật sự chuyên nghiệp khi kết nối được với kiến thức chuyên ngành vì nếu không hiểu biết thì giải pháp đưa ra sẽ không mang lại hiệu quả thực tế.
Trong khi đó, nhân lực trong lĩnh vực này ở Việt Nam mới chỉ chủ yếu là những người đã từng du học ở nước ngoài về; trong nước mới chỉ được học lý thuyết, không có dữ liệu, không có hạ tầng để phát triển. Chưa kể các dự án AI rủi ro hơn rất nhiều so với dự án công nghệ thông tin bình thường; bởi dự án AI không có giải pháp đảm bảo chính xác 100%; các dự án lớn còn luôn cần phải qua thử nghiệm nhiều lần.
Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất, cần có chính sách mở để dễ dàng tiếp cận trong nghiên cứu ứng dụng sản phẩm AI cho cộng đồng. Ngoài doanh nghiệp thì chính quyền, nhà trường, bệnh viện… cũng cần ứng dụng AI mới có động lực để kích thích các dự án ra đời và phát triển. Thêm vào đó, cần có nguồn đầu tư cho startup lĩnh vực AI để họ mạnh dạn thực hiện ý tưởng; các cơ quan quản lý nhà nước sớm tạo cơ chế chính sách điều kiện cho lĩnh vực mới như AI.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ , Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Với những tấm gương doanh nghiệp đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để khởi nghiệp xuất sắc rất cần được nhân rộng và lan toả hứng khởi ra cộng đồng. Sắp tới việc tích hợp AI trong lĩnh vực tư vấn, đưa các dự án nâng cao chất lượng đời sống vào để phổ biến trong cộng đồng cũng rất cần thiết. Cục sẽ tập hợp tất cả những đề xuất để trình lên Thủ tướng Chính phủ và cần một lộ trình. Đơn cử như từ năm 2019-2020 có thể sẽ có hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển AI và cho startup trong lĩnh vực AI phát triển.