Thông tin về quy hoạch kho số viễn thông thực hiện từ 1/3/2015 với nhiều điểm mới đang được dư luận quan tâm. Ngày 10/1, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã có trả lời phỏng vấn báo chí để làm rõ những thay đổi này. * Phóng viên: Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư 22/2014/ TT-BTTTT về quy hoạch kho số viễn thông. Xin Thứ trưởng cho biết sự cần thiết và sở cứ ban hành quy hoạch? * Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng: Luật Viễn thông được Quốc hội thông qua năm 2009, có hiệu lực từ 1/6/2010. Bên cạnh đó, Nghị định 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông cũng đã được ban hành, trong đó quy định rõ kho số là tài nguyên quốc gia; giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, ban hành quy hoạch kho số viễn thông bảo đảm quản lý sử dụng tài nguyên viễn thông hiệu quả nhất, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cũng như thông tin liên lạc của người dân.
Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với doanh nghiệp viễn thông, khảo sát đánh giá tình hình phát triển của thị trường, công nghệ; từ đó đưa ra quy hoạch kho số viễn thông đảm bảo sử dụng tài nguyên hiệu quả cũng như tính bền vững của quy hoạch trong thời gian dài, tránh việc thường xuyên thay đổi mã số ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Việc ban hành quy hoạch này rất cần thiết. Thứ nhất, quy hoạch kho số, đặc biệt là mã vùng, mã mạng đã tồn tại cách đây hơn 50 năm, hầu như không thay đổi nhiều. Trong thời gian đó, môi trường kinh doanh viễn thông, công nghệ viễn thông đã thay đổi rất nhiều.
Thống kê trong 15 năm gần đây, dịch vụ thông tin di động còn rất hạn chế, chỉ có vài triệu người dùng dịch vụ này trong khi đó số người dùng dịch vụ cố định gấp cả chục lần.
Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN |
Ngày nay sự thay đổi càng diễn ra nhanh chóng với việc dịch vụ cố định giảm mạnh, dịch vụ di động ngày càng gia tăng. Trong số gần 140 triệu thuê bao điện thoại đang hoạt động có tới 133 triệu thuê bao di động và chỉ có khoảng gần 7 triệu thuê bao cố định. Bên cạnh đó, trong 9 đầu mã được dùng quy hoạch mã vùng, mã mạng chỉ có 2 mã sử dụng cho di động, 7 mã cho cố định.
Số thuê bao cố định rất ít nhưng lại được sử dụng số mã mạng rất nhiều là bất cập lớn. Để giải quyết vấn đề này, năm 2008, Việt Nam đã phải có giải pháp tình thế là thêm một mã mạng có độ dài 3 chữ số. Đây là lý do hiện nay chúng ta có thuê bao 10 số, 11 số.
Thực tế, sự gia tăng của thuê bao di động là rất lớn. Đặc biệt kết nối di động hiện không chỉ có ở người với người mà còn ở cả người với máy, máy với máy. Dự đoán đến năm 2050, trên thế giới có khoảng 50 tỷ kết nối. Để bảo đảm sự phát triển của công nghệ trong thời gian 30-50 năm tới, Việt Nam phải quy hoạch lại để mã mạng di động tăng lên, đầu số dùng cho mã vùng, cố định giảm đi.
Thứ hai, chúng ta cần thiết thay đổi quy hoạch vì thay đổi của môi trường kinh doanh viễn thông. 15 năm trước chỉ có Viễn thông Việt Nam độc quyền hoạt động, hiện nay có hơn 10 doanh nghiệp hạ tầng mạng và hàng trăm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gia nhập vào thị trường này. Như vậy, số lượng đối tượng cần sử dụng mã số tăng lên rất nhiều. Đã đến lúc chúng ta nên quy hoạch lại để phù hợp với môi trường cạnh tranh, có nhiều doanh nghiệp tham gia.
* Phóng viên: Quy hoạch kho số viễn thông mới có phạm vi, tác động xã hội như thế nào. Cụ thể là đối tượng và mức độ ảnh hưởng ra sao khi quy hoạch được thực hiện, thưa Thứ trưởng? * Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Trong quy hoạch kho số viễn thông mới, thay đổi lớn thứ nhất là quy hoạch mã vùng. Mã vùng hiện nay chỉ phục vụ các cuộc gọi cố định và các cuộc gọi đường dài. Theo thống kê từ báo cáo các doanh nghiệp, tổng lưu lượng của các cuộc gọi đường dài (từ cố định gọi đường dài, di động gọi các máy cố định, từ quốc tế vào máy cố định ở Việt Nam) có đầu mã vùng chỉ chiếm 1,6% trong tổng số lưu lượng viễn thông Việt Nam.
Như vậy, phần tác động thực sự rất hạn chế. Không phải tất cả mọi người sử dụng dịch vụ viễn thông đều bị ảnh hưởng bởi quy hoạch đầu số lần này. Đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.
Thay đổi thứ 2 có thể tác động xã hội là sau khi bố trí sắp xếp mã vùng, mã thừa ra sẽ được dùng cho mạng di động. Như vậy, sẽ có cơ hội để chuyển tất cả đầu 11 số thành 10 số. Khi ấy chỉ thuê bao 11 số bị ảnh hưởng. Hơn nữa, mức ảnh hưởng cũng không lớn bởi không thay đổi toàn bộ số thuê bao mà vẫn giữ nguyên 7 số cuối.
Thay đổi như vậy, cơ quan chức năng sẽ chuyển mã mạng di động từ 3 số thành 2 số. Dự kiến sẽ sử dụng những đầu đã được giải phóng như 05,06,07,08 và các thuê bao vẫn giữ nguyên số dịch vụ. Thay đổi trên theo chiều hướng tích cực, được sự ủng hộ của đa số người sử dụng. Vì dùng thuê bao 10 số ngắn hơn, dễ nhớ hơn và bình đẳng với các thuê bao di động còn lại.
* Phóng viên: Quy hoạch được ban hành vào dịp Tết Nguyên đán cận kề, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ sẽ gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh khi phải nhanh chóng thay đổi toàn bộ số điện thoại liên lạc, mã vạch trên bao bì..., Thứ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này? * Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Ngày 1 tháng 3 là thời điểm có hiệu lực của quy hoạch chứ không phải tất cả các nội dung quy hoạch bắt đầu phải có hiệu lực từ 1/3. Quy hoạch để có định hướng trong 20 – 30 năm, thậm chí 50 năm tới. Để triển khai quy hoạch này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể.
Kế hoạch có thể thực hiện trong nhiều năm. Trước mắt sẽ thực hiện việc đổi mã vùng theo các giai đoạn, từng khu vực. Hoàn thành việc đổi mã vùng, các mã dư ra sẽ được dùng cho cho các mạng di động. Tiếp đến, cơ quan chức năng sẽ xây dựng kế hoạch chuyển đổi các thuê bao 11 số thành 10 số...
Việc triển khai quy hoạch sẽ có lộ trình để đảm bảo tác động ít nhất đến người dân, các tổ chức, doanh nghiệp. Khi triển khai từng nội dung đều có kế hoạch cụ thể và nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sẽ được thông báo lộ trình thực hiện, để có thời gian thay đổi các số thuê bao, liên hệ với các đối tác.
Mặt khác, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông để có giải pháp cụ thể giúp giảm thiểu ảnh hưởng đến người sử dụng dịch vụ. Đối tượng bị ảnh hưởng sẽ được thông tin trước 60 ngày qua các phương tiện truyền thông đại chúng, bằng tin nhắn...
Đồng thời, các biện pháp kỹ thuật cũng sẽ được thực hiện để hỗ trợ người sử dụng. Trong thời gian đổi mã số dịch vụ, người dân, tổ chức, doanh nghiệp không phải đến đăng ký lại, hoặc làm thêm bất cứ các thủ tục, giấy tờ gì. Hệ thống kỹ thuật sẽ lập trình song song cả số mới và số cũ, sau đó việc chuyển đổi sẽ dần được thực hiện cho đến khi hoàn tất.
* Vậy nội dung nào trong quy hoạch mới sẽ được thực hiện đầu tiên, thưa Thứ trưởng? * Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Với quy hoạch mới này, những nội dung không gây ảnh hưởng đến đến các đối tượng sử dụng dịch vụ có thể thực hiện trước. Ví dụ như việc quy hoạch cung cấp thêm đầu mã cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung.
Ngay thời điểm này, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung có thể nhận ngay đầu mã. Những nội dung có ảnh hưởng, tác động xã hội cần có thời gian chuẩn bị kỹ hơn để việc triển khai được hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Mỹ Bình (TTXVN)