Tình hình phát tán thông tin giả mạo vi phạm pháp luật thời gian gần đây diễn biến phức tạp và công khai; các trang mạng độc hại vẫn thu hút được số lượng lớn người đọc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã trả lời về những vấn đề này và đưa ra những giải pháp để quản lý Internet trong Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan ngôn luận khác.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá, Việt Nam là một trong những nước phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin nhanh, đặc biệt là internet. Đến nay đã có trên 30 triệu người sử dụng internet và trên 100 triệu thuê bao di động; trong đó đặc biệt lớp trẻ đã sử dụng những trang mạng xã hội để cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng. Bộ Thông tin và truyền thông đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp lý để quản lý internet một cách hợp lý, đồng thời tạo điều kiện cho internet phát triển để đem lại nhiều tiện ích cho xã hội và nhân dân, với giá cả và dịch vụ phong phú, nhằm biến internet không chỉ là nhu cầu bình thường, mà là nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định, công nghệ internet là môi trường mở, mọi người có thể tự do truy cập, do vậy, những đối tượng xấu thường lợi dụng để tung những thông tin lừa đảo, nhằm trục lợi bất chính, hoặc đưa những thông tin trái với thuần phong mỹ tục, đạo lý, vi phạm pháp luật, làm phương hại đến trật tự an toàn xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và an ninh quốc gia. “Những kẻ xấu, các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng môi trường mạng để phát tán những thông tin sai trái, độc hại để chống phá chúng ta, đặc biệt là khi Việt Nam có những sự kiện chính trị lớn diễn ra như Đại hội Đảng các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; chào mừng 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước…”, Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, việc tuyên truyền đã phát huy hiệu quả, khẳng định được những mặt tích cực cũng như nêu ra được hạn chế, mặt trái của internet, đồng thời vạch rõ âm mưu của những kẻ xấu, các thế lực thù địch đang chống phá Việt Nam. Nhờ đó, người dân đã hiểu và dần quay lưng với những trang mạng không lành mạnh. Tuy nhiên, những kẻ xấu và các thế lực thù địch đã dùng nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn, thậm chí còn xây dựng những biến thể mới để đánh lừa những người không cảnh giác.
Siết chặt hơn
Bộ trưởng khẳng định: Phải tìm mọi cách để hạn chế thấp nhất những thiệt hại trên môi trường mạng. Thời gian qua, bên cạnh các văn bản, thông tư, thì Nghị định 72, năm 2013 về quản lý thông tin dịch vụ internet là cơ sở pháp lý để quản lý các dịch vụ mạng. Đặc biệt, nếu năm nay Luật An toàn thông tin được Quốc hội thông qua sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý mạng, góp phần bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của những người tham gia trên môi trường mạng, đồng thời ngăn chặn những hành vi phương hại đến an toàn, an ninh trên mạng.
Về việc chấn chỉnh tin nhắn rác, Bộ trưởng cho biết, ngày 24/12/2014, Bộ đã ra Chỉ thị số 82 để ngăn chặn tin rác, nên đã hạn chế được gần 60% tin rác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tin nhắn rác lại bùng phát do sự hợp tác của các doanh nghiệp, các nhà dịch vụ cung cấp nội dung số chưa chặt chẽ. “Vì lợi ích, một số nhà mạng đã buông lỏng việc cung cấp danh tính của người thuê bao. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, giám sát các dịch vụ này để nâng cao vai trò trách nhiệm của toàn xã hội nói chung và trực tiếp là các nhà mạng, để ngăn chặn tin rác và những hoạt động bất hợp pháp khác. Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã ngăn chăn được 256.000 thuê bao phát tán tin nhắn rác và 12 nhà mạng cung cấp nội dung số của Vinaphone bị cắt hợp đồng, đồng thời các nhà mạng đã cắt hàng chục nghìn thuê bao có biểu hiện nhắn các tin nhắn rác… Với tinh thần này, trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục ban hành những văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các nhà mạng một cách chặt chẽ hơn”, Bộ trưởng khẳng định.
“Bộ cũng sẽ nghiên cứu giải pháp, thay vì trước đây để các nhà dịch vụ viễn thông cung cấp các đầu số cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung, thì Bộ sẽ thu hồi để trực tiếp xem xét cung cấp cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số. Đồng thời, có những thông tư để liên kết, ký kết hợp đồng hợp tác giữa các nhà mạng với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số, trong đó bắt buộc các nhà cung cấp nội dung số phải đăng ký những sim, đầu số cung cấp dịch vụ nhắn tin quảng cáo, nếu không khai báo, sẽ không được sử dụng”, Bộ trưởng khẳng định.
Trọng Thủy