Tàu vũ trụ lâu năm của NASA, Voyager-1 ngày 4/12 đã bay tới “cao tốc từ trường” – “con đường” dẫn ra không gian giữa các vì sao và sẽ trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên ra khỏi hệ Mặt Trời.
Minh họa vị trí của tàu Voyager 1 (hình bầu dục mầu trắng bên trên) đang bay qua khu vực “cao tốc từ trường” ở gần rìa hệ Mặt Trời. Bên dưới là Voyager 2. |
Con tàu được phóng từ 35 năm trước với mục đích nghiên cứu khoảng không ngoài hệ Mặt Trời, hiện nay đã ở cách Trái Đất 18 tỉ km. Ở khoảng cách này, nó nhận tín hiệu âm thanh di chuyển với tốc độ ánh sáng và mất 17 tiếng đồng hồ để tới được Trái Đất.
Các nhà khoa học tin rằng, Voyager 1 hiện đang ở một khu vực nơi các đường từ trường từ Mặt Trời kết nối với các đường từ trường từ các vì sao khác. Hiện tượng này đang khiến cho những hạt năng lượng cao (tạo ra từ các vụ nổ siêu tân tinh) phóng vào bên trong hệ Mặt Trời, trong khi các hạt năng lượng thấp hơn từ hệ Mặt Trời lại thoát ra.
Giới khoa học gọi đây là “đường cao tốc”, giúp cho tàu vũ trụ của NASA thoát ra khỏi hệ Mặt Trời. Họ chưa biết được con tàu sẽ mất bao lâu để vượt qua “xa lộ từ trường” này, nhưng tin tưởng rằng đây là lớp biên giới phức tạp cuối cùng giữa khu vực không gian trong tầm ảnh hưởng của Mặt Trời và khu vực của các vì sao khác.
“Giả thuyết được trông đợi nhiều nhất là con tàu sẽ mất vài tháng đến vài năm để thoát ra hẳn hệ Mặt Trời”, ông Ed Stone, trưởng nhóm khoa học gian phụ trách tàu Voyager 1 nói.
Theo ông Stone, Voyager 1 đã chạm tới khu vực rìa của hệ Mặt Trời từ năm 2004, sau đó đi vào khu vực nơi “gió mặt trời” giảm cường độ và trở nên nhiễu loạn. Thời gian của hành trình này kéo dài 5,5 năm. Sau đó, “gió Mặt Trời” ngừng di chuyển và từ trường mạnh lên.
Dựa trên một thiết bị đo hạt tích điện, các nhà khoa học biết được Voyager đã đi vào “cao tốc từ trường” từ ngày 28/7/2012. “Con đường” này liên tục thay đổi và mỗi lần tàu trở lại “xa lộ” thì từ trường lại mạnh lên, nhưng hướng đi vẫn không đổi. Các nhà khoa học tin rằng, hướng đi của các đường từ trường sẽ thay đổi khi con tàu cuối cùng xâm nhập được vào không gian giữa các vì sao.
Voyager 1 và Voyager 2, được phóng cách nhau 17 ngày vào năm 1977. Voyager 2 di chuyển trên một lộ trình khác để ra khỏi hệ Mặt Trời, tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng với khoảng 14,5 tỉ km đã đi được, Voyager 2 vẫn chưa thể đến được “cao tốc từ trường”.
Thu Hằng