Trong thời gian qua, các chính trị gia và các chính phủ trên thế giới liên tục gia tăng sức ép buộc các nền tảng truyền thông xã hội tăng cường hành động ngăn chặn những phát ngôn thù địch và thông tin sai lệch trên các nền tảng trực tuyến. Những hành vi này được cho là kích động làn sóng tấn công phân biệt chủng tộc tại nhiều quốc gia. EC thiết lập bộ quy tắc ứng xử vào tháng 5/2016, theo đó các công ty công nghệ phối hợp với các tổ chức xã hội và giới chức cộng đồng để loại bỏ những phát ngôn thù hận.
Phó Chủ tịch EC Vera Jourova nhận định động thái mới của ByteDance là bước đi tích cực giúp bổ sung TikTok vào nhóm những nền tảng công nghệ hàng đầu thế giới tham gia bộ quy tắc của EC cùng với những tên tuổi như Facebook, Microsoft, Twitter, YouTube và Snapchat. Thông báo của bà Jourova có đoạn nhấn mạnh việc một ứng dụng đang thịnh hành với giới trẻ như TikTok tham gia bộ quy tắc ứng xử của EC là tín hiệu rất tốt vì những người dùng trẻ tuổi là đối tượng đặc biệt dễ chịu tác động bởi các phát ngôn thù hận và thực trạng lạm dụng trên mạng. Phó chủ tịch EC cũng hy vọng TikTok không chỉ tuân thủ các nguyên tắc trong bộ quy tắc ứng xử mà cả luật pháp châu Âu khi hoạt động tại châu lục này.
Trong khi đó, đại diện của TikTok, Cormac Keenan cho biết mục đích của công ty là loại bỏ những phát ngôn thù hận trên ứng dụng này. Dù thừa nhận đây sẽ là thách thức không hề dễ dàng trong bối cảnh thế giới ngày càng phân cực nhưng TikTok khẳng định sẽ cố gắng để thực hiện mục tiêu này.
Cùng ngày, TikTok thông báo đã dỡ bỏ một clip ghi lại cảnh một người dùng tự sát được lan truyền trên ứng dụng này những ngày qua đồng thời đóng các tài khoản nhiều lần tìm cách đăng tải đoạn clip này. Dù TikTok không nêu thông tin chi tiết nhưng một số thông tin truyền thông cho thấy đoạn clip trên bắt đầu xuất hiện trên ứng dụng này từ đêm 6/9.
Chia sẻ trên Twitter, TikTok khẳng định các hệ thống của ứng dụng đã tự động nhận diện và gắn thẻ cảnh báo với những clip vi phạm các quy định của ứng dụng.
Đoạn clip trên được cho là xuất hiện đầu tiên trên mạng xã hội Facebook dưới hình thức phát trực tiếp và sau đó được lan truyền trên các nền tảng khác. Facebook thông báo dỡ bỏ video gốc từ ngày 31/8 khi đoạn video này xuất hiện và sử dụng các công nghệ tự động để loại bỏ những bản sao chép hay những bài đăng lại video này.
Trong quá khứ, TikTok từng bị chỉ trích vì chính sách điều tiết nội dung, đặc biệt là các nội dung đồ họa. Tháng 12/2019, ByteDance thông báo triển khai một công cụ điều tiết nội dung mới, cho phép gắn mác các danh mục vi phạm vào video mà công ty này dỡ bỏ.