Thỏa thuận trên khép lại hơn 9 tháng thương lượng giữa hai công ty và là một chiến thắng quan trọng đối với Uber sau khi hãng đã bán lại nhiều mảng kinh doanh ở Trung Quốc, Nga và Đông Nam Á cho các đối thủ do bị thua lỗ nặng.
Cụ thể, Uber sẽ trả cho Careem 1,4 tỷ USD tiền mặt và số tiền 1,7 tỷ USD còn lại sẽ có thể chuyển thành cổ phiếu của Uber với giá 55 USD/cổ phiếu khi Uber tiến hành đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến vào tháng 4/2019. Giới chuyên gia kinh tế nhận định đợt phát hành này có thể đẩy giá trị thị trường của Uber lên 100 tỷ USD.
Theo thương vụ trên, Careem sẽ trở thành chi nhánh thuộc quyền sở hữu của Uber trong khi thương hiệu và ứng dụng Careem vẫn được giữ nguyên, ít nhất trong thời gian đầu. Các nhà đồng sáng lập Careem Mudassir Sheikha, Magnus Olsson và Abdulla Elyas vẫn làm việc cho Careem. Tuy nhiên, ban lãnh đạo của Careem sẽ được cải tổ, với 3 vị trí thuộc đại diện của Uber và 2 vị trí thuộc Careem.
Được thành lập năm 2012, Careem, có trụ sở tại Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hiện có hơn một triệu tài xế và 30 triệu người dùng tại 90 thành phố trên khắp thế giới. Việc thâu tóm Careem có thể không mang lại cho Uber lợi nhuận như mong muốn, nhưng nó có thể giúp Uber có được thị phần lớn trên thị trường Trung Đông.
Giám đốc điều hành (CEO) Uber Dara Khosrowshahi gần đây cho biết công ty này có kế hoạch tiếp tục mở rộng dịch vụ tại thị trường Ai Cập.
Uber coi Ai Cập là đầu mối dịch vụ tại thị trường Trung Đông, khi công ty này đã đầu tư 100 triệu USD để xây dựng các trung tâm dịch vụ nhằm phục vụ khách hàng tại châu Phi và Trung Đông.
Bên cạnh đó, Uber cũng tạo cơ hội việc làm cho 200.000 người dân Ai Cập, đồng thời đem lại một phương thức giao thông dễ dàng và giá cả phải chăng cho hàng triệu người dân nước này.