Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long chủ trì họp báo.
Thời gian qua, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp trực tiếp với các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa -Vũng Tàu, Nghệ An, Ninh Bình tiến hành lập biên bản, sẽ xử phạt các chi nhánh, công ty khu vực của các dịch vụ viễn thông và xử phạt trực tiếp điểm cung cấp dịch vụ viễn thông uỷ quyền trên phạm vi toàn quốc với số lượng rất lớn 39 điểm trên toàn quốc, bởi đây là những đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm.
Kết luận kiểm tra đã chỉ rõ sai phạm của các doanh nghiệp viễn thông di động trong việc quản lý thông tin thuê bao, cụ thể: Bán sim đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; chấp nhận đăng ký thông tin thuê bao bên ngoài điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; quản lý chưa chặt chẽ dẫn tới vẫn còn tình trạng thông tin thuê bao không chính xác, không đầy đủ theo quy định; cá nhân đăng ký rất nhiều sim, cá biệt một số cá nhân đăng ký tới hàng ngàn sim, đây là một trong các nguyên nhân của tình trạng sử dụng sim không chính chủ.
Doanh nghiệp còn để xảy ra tình trạng nhân viên của mình, nhân viên đại lý/điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng thông tin cá nhân hoặc sử dụng thông tin của người khác để đăng ký thông tin thuê bao; để cho đại lý/điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cho nhau mượn tài khoản để đăng ký thông tin thuê bao; thực hiện không đúng quy trình đăng ký lại thông tin thuê bao, cấp lại SIM; sử dụng hồ sơ đăng ký thuê bao lần đầu để kích hoạt thêm sim cho người sử dụng, không thực hiện đúng quy trình đăng ký thông tin thuê bao.
Những hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp viễn thông, đại lý/điểm cung cấp dịch vụ viễn thông nêu trên làm ảnh hưởng, kéo dài thời điểm hoàn thành mục tiêu quản lý chính xác thông tin thuê bao, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sim rác vẫn được bán trên thị trường.
Ngoài ra, sim rác còn bị các đối tượng xấu lợi dụng để phát tán tin nhắn, thực hiện cuộc gọi rác, quấy rối, lừa đảo; sơ hở trong việc cấp lại sim của doanh nghiệp có thể bị đối tượng xấu lợi dụng để chiếm đoạt sim, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của thuê bao.
Cùng với việc xử phạt, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông sẽ có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh người đứng đầu doanh nghiệp, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc để tồn tại tình trạng thuê bao có thông tin không chính xác, đây là lần nhắc nhở thứ 2, nếu có nhắc nhở lần 3 sẽ có biện pháp xem xét xử lý trách nhiệm người đầu doanh nghiệp viễn thông.
Đồng thời, Bộ yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; xem xét áp dụng hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của người đúng đầu doanh nghiệp nếu doanh nghiệp tái phạm. Đây là hình thức xử phạt hết sức nghiêm khắc, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, sim kích hoạt sẵn (sim rác), sim thuê bao không chính chủ là vấn đề nhức nhối của xã hội. Các đối tượng xấu lợi dụng sim rác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn xã hội như: lừa đảo, gọi điện thoại, nhắn tin quấy rối, đe dọa, đòi nợ… tiềm ẩn nguy cơ sim rác bị lợi dụng để thực hiện các hành vi chống phá cách mạng, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ mối đoàn kết toàn dân tộc. Các doanh nghiệp bên cạnh việc phát triển sản xuất kinh doanh cần đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa việc xây dựng văn hóa đạo đức trong kinh doanh, chung tay gánh vác trọng trách bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ người dân - khách hàng của mình, cũng là bảo vệ chính mình.
Kết quả đợt kiểm tra vừa qua của Bộ cho thấy những vấn đề sai phạm, tồn tại nhiều năm của công tác quản lý thông tin thuê bao vẫn chưa được khắc phục; người dân vẫn dễ dàng mua được sim đã đăng ký trước thông tin thuê bao.
Kết quả đợt kiểm tra cũng cho thấy Thanh tra Bộ đã triển khai đợt kiểm tra nghiêm túc, chỉ rõ sai phạm về quản lý thông tin thuê bao; đã kiến nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, có lý, có tình đối với các sai phạm của doanh nghiệp viễn thông, đại lý/điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.
Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh: Để đảm bảo quản lý tốt thông tin thuê bao viễn thông, ngăn chặn sim rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi quấy rối, lừa đảo, cuộc gọi đòi nợ không đúng pháp luật, lừa đảo thì doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng có trách nhiệm rất lớn.
Thứ trưởng đề nghị, nhà mạng cần chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan; rà soát quy trình ký kết với các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ đảm bảo thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu.
Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông phải ứng dụng công nghệ mới vào phát hiện sai phạm; phối hợp với Thanh tra Bộ yêu cầu các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông rà soát lại có các tụ điểm vi phạm; thông tin tuyên truyền tới đông đảo người dân không cho mượn chứng minh nhân dân đăng ký thuê bao, tránh những liên đới pháp lý…, phản hồi thông tin khi nghi ngờ về cuộc gọi rác.
Trước hết doanh nghiệp viễn thông phải nghiêm chỉnh chấp hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, chủ động rà soát cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao, kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định thuê bao có thông tin không chính xác; nhắc nhở, chấn chỉnh, chấm dứt hợp đồng đối với các đại lý/điểm cung cấp dịch vụ viễn thông vi phạm; nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật, công nghệ để đảm bảo tiếp nhận thông tin thuê bao đầy đủ, đúng người sử dụng; chủ động thông tin, tuyên truyền qua tin nhắn đến các thuê bao, yêu cầu người sử dụng di động cập nhật thông tin, nêu rõ trách nhiệm, các ảnh hưởng pháp lý của người dân trong trường hợp cho phép người khác sử dụng thông tin của mình để đăng ký thông tin thuê bao, sử dụng số thuê bao được đăng ký bởi người khác.
Thứ trưởng lưu ý người sử dụng dịch vụ viễn thông di động cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không mua, sử dụng sim đã đăng ký trước thông tin thuê bao; cập nhật thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác; tố giác đến cơ quan chức năng các tổ chức/cá nhân sử dụng thông tin của mình để đăng ký trước thông tin thuê bao, bán sim đã đăng ký trước thông tin thuê bao.
Đối với các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ, Thứ trưởng giao Cục Viễn thông nhanh chóng hoàn thiện Nghị định sửa đổi Nghị định 25/2011/NĐ-CP trình Chính phủ ban hành, trong đó bao gồm nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý thông tin thuê bao nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, phù hợp sự thay đổi của khoa học, công nghệ; trong đó bao gồm hình thức đăng ký thông tin thuê bao trực tuyến áp dụng kỹ thuật, công nghệ đảm bảo thông tin thuê bao chính xác, đầy đủ, chính chủ theo quy định; tích cực rà quét, phát hiện thuê bao có thông tin nghi ngờ không chính xác, yêu cầu các doanh nghiệp nhắn tin, gọi điện đề nghị người dân cập nhật lại thông tin thuê bao chính xác theo quy định.
Thanh tra Bộ trình Lãnh đạo Bộ dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả công tác kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh sai phạm về quản lý thông tin thuê bao di động và đề xuất giải pháp đảm bảo thuê bao có thông tin chính xác, chính chủ; Xử phạt đúng quy định đối với các hành vi vi phạm của doanh nghiệp và đại lý/Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông...
Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Công an tiếp tục xử lý đối với các tổ chức/cá nhân vi phạm pháp luật về quản lý thông tin thuê bao, thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi quấy rối, lừa đảo, cuộc gọi đòi nợ không đúng pháp luật.
Trước đó, ngày 31/3/2022, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký ban hành Quyết định số 611/QĐ-BTTTT về việc kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, sim sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp viễn thông di động.