- Thưa ông, xin ông cho biết tình hình Agribank chi nhánh Thanh Hóa triển khai cho vay theo NĐ 67 của Chính phủ?
Tính đến hết tháng 8, số tàu đã đi vào hoạt động là 27 tàu (trong đó: Dịch vụ 8 tàu, khai thác 19 tàu) với tổng mức đầu tư 332.085 triệu đồng (trong đó vốn đối ứng của khách hàng là 85.975 triệu đồng, vốn vay ngân hàng 246.110 triệu đồng; ngân hàng đã giải ngân 246.110 triệu đồng, thu nợ 4.923 triệu đồng, dư nợ đến 20/08/2017 là 241.187 triệu đồng.
Số tàu đã vay vốn lưu động và vốn khác của Agribank là 20/27 tàu để phục vụ hoạt động của tàu cá với doanh số cho vay 10.855 triệu đồng, dư nợ hiện tại là 6.923 triệu đồng; một số chủ tàu chưa có nhu cầu nhận nợ thêm. Agribank chi nhánh Thanh Hóa cam kết đáp ứng nhu cầu vốn lưu động khi các chủ tàu có nhu cầu vay vốn để phục vụ hoạt động của con tàu.
Riêng trong năm 2017 Agribank Thanh Hóa cho vay theo NĐ 67 với tổng số tàu phê duyệt danh mục đầu tư đến 20/8 là 11 tàu (7 tàu dịch vụ, 4 tàu khai thác). Chúng tôi đã tiếp cận, thẩm định đối với 11 chủ tàu đã được phê duyệt 8 chủ tàu, ngân hàng cam kết cho vay là 63.775 triệu đồng; đã giải ngân cho 04 chủ tàu dư nợ 8.667 triệu đồng. Đang thực hiện thẩm định cho vay 03 chủ tàu để hoàn thiện ký hợp đồng tín dụng với chủ tàu;
Tàu vỏ gỗ TH 92828-TS, chuẩn bị cho những chuyến ra khơi đánh bắt thủy hải sản |
- Hiệu quả các tàu đưa vào sử dụng thế nào thưa ông?
Theo phản ánh của các chủ tàu và báo cáo khảo sát của Agribank Thanh Hóa thì hiệu quả của các tàu cụ thể như sau:
Đối với tàu khai thác vỏ gỗ sử dụng hoạt động ổn định, hiệu quả, mỗi chuyến đi biển từ 10 – 20 ngày, thu nhập sau khi loại trừ chi phí đều có lãi; các chủ tàu đã trả nợ phân kỳ đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận (tàu khai thác của khách hàng Nguyễn Văn Xuyên ở Hậu Lộc đi khai thác được 11 chuyến, lợi nhuận đạt 1.900 triệu đồng. Tàu khai thác của khách hàng Viên Đình Sơn và Viên Đình Sỹ ở Sầm Sơn đã đi khai thác được 23 chuyến, lợi nhuận đạt 1.100 triệu đồng...).
Đối với tàu dịch vụ vỏ gỗ: Các tàu sau khi đưa vào sử dụng hoạt động ổn định, hiệu quả, ít bị hỏng hóc, mỗi chuyến thu mua sau khi trừ đi chi phí, các chuyến biển đều có lãi, có hiệu quả và tương đối ổn định (tàu dịch vụ của Công ty CP TMVT & CBHS Long Hải đi khai thác được 30 chuyến, lợi nhuận đạt 1.000 triệu đồng, tàu dịch vụ của khách hàng Nguyễn Văn Lực ở Nghi Sơn đi khai thác được 12 chuyến, lợi nhuận đạt 1.450 triệu đồng...).
Còn đối với tàu khai thác vỏ sắt đưa vào hoạt động thời gian đầu thường bị trục trặc như: hệ thống tời, máy phát điện, gẫy sào, tăng gông, máy dò cá, hệ thống bóng đèn cao áp... dẫn đến thời gian hoạt động mỗi chuyến biển không dài (từ 6 đến 15 ngày) hiệu quả còn thấp do sự cố hư hỏng, chủ tàu phải chi phí sửa chữa, khắc phục; đến nay các con tàu vỏ sắt đã đi vào hoạt động ổn định.
- Để có được kết quả như trên, trong năm 2017 Agribank Thanh Hóa đã có các giải pháp đã triển khai thế nào?
Chúng tôi đã tổ chức triển khai văn bản số 219/NHNN-TD ngày 12/01/2017 của Thống đốc ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam và văn bản số 491/NHNo-HSX ngày 20/01/2017 của Agribank Việt Nam về Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Quán triệt để cán bộ nhận thức được trách nhiệm trong việc cho vay nâng cấp, đóng mới tàu đánh cá xa bờ với chiến lược bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, tạo thuận lợi cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi.
Tổ chức tổng kết hơn 2 năm triển khai thực hiện cho vay theo NĐ 67 với các chi nhánh vùng biển; đánh giá đúng kết quả đạt được như số lượng tàu cá hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm 2016, số tàu cá đã hạ thủy, số tàu cá đang trên đà, để làm việc với cơ sở đóng tàu đẩy nhanh tiến độ phấn đấu đưa tàu cá vào hoạt động trong thời gian sớm nhất, đồng thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc tham mưu tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện cho Ngư dân được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về nội dung NĐ 67 và thủ tục vay vốn với nhiều hình thức phong phú thông qua tập san của Ban tuyên giáo tỉnh ủy, qua đài phát thanh và truyền hình Thanh Hoá; đài truyền thanh các huyện, xã; qua các Hội đoàn thể.v.v. để khách hàng biết về chính sách ưu đãi của nhà nước và điều kiện, thủ tục vay vốn. Nắm bắt thực trạng tàu vỏ sắt sau thời gian hoạt động, kết quả khai thác đánh bắt của từng chủ tàu, những khó khăn vướng mắc, tham mưu tháo gỡ kịp thời, bàn các giải pháp quản lý tốt dòng tiền thu nợ theo cam kết.
Đối với những tàu đóng mới chỉ đạo Agribank chi nhánh cơ sở phối hợp với chủ tàu chủ động làm việc với các Cơ sở đóng tàu, cơ quan đăng kiểm để tìm hiểu thông tin; tư vấn và cùng khách hàng tham gia thương thảo hợp đồng đóng tàu; thống nhất với các nhà máy về giải pháp tháo gỡ khó khăn để các bên thực hiện tốt những cam kết trong hợp đồng kinh tế;
Song song đó, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên đề trực tiếp khảo sát những ngư dân đủ điều kiện vay vốn, trình Giám đốc Agribank tỉnh phê duyệt danh mục đầu tư, tạo điều kiện cho khách hàng có đủ thời gian đóng tàu đưa vào hoạt động trong năm 2017. Và qua đó cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục để được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo NĐ 67.
- Trong quá trình triển khai Agribank có những tồn tại và hạn chế như thế nào?
Hiện thủ tục hồ sơ cho vay theo NĐ 67 rất nhiều nội dung, phải qua nhiều khâu, nhiều bước và nhiều cơ quan chức năng; cán bộ ngân hàng phải hướng dẫn và cùng chủ tàu phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện nên mất rất nhiều thời gian. Việc Agribank cơ sở nắm bắt tình hình hoạt động của chủ tàu, hiệu quả trong khai thác còn nhiều hạn chế do việc đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm chủ tàu thực hiện ngay trên biển; việc phối hợp với các cơ quan chức năng để có biện pháp đôn đốc thu hồi nợ chưa thường xuyên.
Việc thu nợ phân kỳ theo kế hoạch của tàu vỏ sắt là rất khó khăn, phải đôn đốc nhiều lần; Agribank Thanh Hóa đã chỉ đạo chi nhánh Agribank chi nhánh cơ sở báo cáo với Ban chỉ đạo nghị định 67 cấp huyện hỗ trợ ngân hàng trong việc thu nợ đến hạn; đến nay vẫn còn 2 chủ tàu không trả được nợ phân kỳ, phải cơ cấu thời hạn trả nợ (ông Nguyễn Văn Lực và ông Đỗ Quang Nam);
Đầu năm 2017, các chủ tàu tham gia tái tục bảo hiểm theo NĐ 67 gặp rất nhiều khó khăn, đến nay mới có hướng dẫn về mua bảo hiểm của Bộ Tài chính để chủ tàu được hỗ trợ phí bảo hiểm; việc giám sát hoạt động khai thác, kiểm soát dòng tiền của khách hàng gặp khó khăn; việc khai báo hiệu quả khai thác của các chủ tàu chưa minh bạch, chưa khách quan...
Sở dĩ có những tồn tại trên là do kinh nghiệm khai thác và sử dụng tàu cá nhất là các tàu vỏ thép của các ngư dân còn hạn chế nên thường xảy ra hỏng hóc, bị sự cố về mặt kỹ thuật vì vậy hiệu quả của việc khai thác hải sản xa bờ còn thấp. Một số chủ tàu có tư tưởng ỷ lại vào chính sách; phản ánh không trung thực về kết quả khai thác hải sản xa bờ, chưa tích cực thực hiện trách nhiệm trả nợ.
- Vậy từ nay đến cuối năm Agriabank Thanh Hóa tập trung chỉ đạo vấn đề này như thế nào?
Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến Chính quyền địa phương và ngư dân nắm được nội dung các văn bản hướng dẫn của Chính phủ; NHNN Việt Nam và các ngành liên quan về chủ trương kéo dài thời gian thực hiện NĐ 67, để chính quyền địa phương và ngư dân biết tham gia phối hợp thực hiện.
Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ thẩm định, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ 3 con tàu đã thông báo phê duyệt danh mục đầu tư, phối hợp với chủ tàu đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đóng tàu, nâng cao chất lượng tàu cá, hạ thủy bàn giao đi vào khai thác trong năm 2017.
Đối với 8 tàu cá đã ký hợp đồng tín dụng với chủ tàu, chỉ đạo cán bộ tín dụng thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tiến độ đóng tàu, thực hiện giải ngân hết phần vốn đối ứng của chủ tàu, giải ngân vốn vay theo tiến độ, thu thập chứng từ giải ngân để ngư dân được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo quy định;
Đối với 27 tàu cá đã đưa vào hoạt động chúng tôi cử cán bộ thường xuyên theo dõi, phối hợp với chính quyền địa phương, các nguồn thông tin liên quan để nắm bắt hoạt động của tàu theo từng chuyến đi biển, nắm bắt dòng tiền đầu vào, đầu ra; hiệu quả của từng chuyến biển để tính toán nguồn trả nợ, làm việc với ngư dân (có biên bản làm việc lưu hồ sơ) đôn đốc trả nợ. Đề nghị chủ tàu hàng tháng nộp tiền vào tài khoản tiền gửi, tạo nguồn trả nợ ngân hàng theo cam kết, tránh tình trạng khách hàng ỷ lại chính sách không chịu trả nợ ngân hàng. Đôn đốc chủ tàu thực hiện đúng các cam kết trong quá trình vay vốn và sử dụng vốn vay.
Để tạo điều kiện cho Agribank chi nhánh Thanh Hóa thực hiện tốt cho vay theo NĐ 67, Agribank Thanh Hóa cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ tàu chấp hành tốt các quy định vay vốn theo NĐ 67. Chỉ đạo Ban chỉ đạo NĐ 67 cơ sở đôn đốc các chủ tàu thực hiện nghiêm túc kỳ hạn trả nợ cho ngân hàng, tránh tình trạng để nợ quá hạn khách hàng không được hỗ trợ lãi suất. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức mở các lớp tập huấn, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và cập nhật các kiến thức vận hành máy móc, thiết bị hiện đại trên tàu để ngư dân nắm bắt, sử dụng và đáp ứng được yêu cầu về khoa học kỹ thuật về đánh bắt để đem lại hiệu quả cao.
- Xin cám ơn ông!