Giải pháp tài chính hữu hiệu
Cách thanh toán này là Agribank sẽ cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhập khẩu là khách hàng của mình nhằm thanh toán trả ngay cho người hưởng L/C khi bộ chứng từ hợp lệ được xuất trình và được Agribank chấp nhận thanh toán. Doanh nghiệp nhập khẩu sẽ trả tiền cho ngân hàng chiết khấu hoặc ngân hàng hoàn trả vào ngày đến hạn của hối phiếu.
Để mở và thanh toán thư tín dụng trả chậm cho phép thanh toán ngay UPAS L/C tại Agribank, hồ sơ khách hàng cần cung cấp đơn giản và thuận tiện bao gồm: yêu cầu mở UPAS L/C (theo mẫu của Agribank), hợp đồng ngoại thương và các hồ sơ khác có liên quan.
Đây là một giải pháp tài chính hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực tài chính và tính thanh khoản cho các doanh nghiệp nhập khẩu khi thanh toán ngay cho nhà xuất khẩu, từ đó nhà nhập khẩu sẽ được lợi thế đàm phán về giảm giá hàng hóa, tận dụng được nguồn vốn ngoại tệ với mức lãi suất và thời hạn trả chậm hấp dẫn, hoặc tận dụng cơ hội kinh doanh vào các thời điểm thích hợp.
Agribank với tiềm lực và vị thế là định chế tài chính lớn nhất Việt Nam cũng là ngân hàng đầu tiên triển khai, cung cấp các dịch vụ thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại tại Việt Nam. Với mối quan hệ hợp tác đại lý với gần 1.000 ngân hàng trên thế giới, trong đó có nhiều tổ chức tài chính uy tín trên thế giới như Wells Fargo, Bank of New York Mellon, Standard Charter Bank, JP Morgan Chase… Sau nhiều năm triển khai dịch vụ thanh toán quốc tế, đây cũng là thế mạnh và là cơ sở để Agribank cung cấp các dịch vụ với mức phí ưu đãi và cạnh tranh tốt nhất cho khách hàng.
Agribank liên tục cải thiện, nâng cao chất lượng thanh toán quốc tế, đáp ứng đa dạng các nhu cầu về tài chính quốc tế một cách linh hoạt nhằm giúp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu - khách hàng của Agribank tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực kinh doanh trên thị trường quốc tế.
Agribank dẫn đầu doanh số thanh toán quốc tế
Trong bối cảnh xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, hầu hết các ngân hàng đều nhắm vào phân khúc thị trường thanh toán quốc tế, đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các ngân hàng, trong đó Agribank là một trong những ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất.
Năm 2016, doanh số thanh toán quốc tế của Agribank đạt 10,8 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2015. Thu phí thanh toán quốc tế đạt 254,8 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015. Với sự nỗ lực của toàn hệ thống, hoạt động thanh toán phục vụ cho các mục đích kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, hay đáp ứng nhu cầu cá nhân như du học, du lịch, khám chữa bệnh… ở nước ngoài đều tăng mạnh.
Ngoài ra, chất lượng hoạt động thanh toán quốc tế của Agribank cũng được duy trì. Agribank đã liên tiếp được các ngân hàng lớn của nước ngoài, có uy tín trên toàn thế giới như Wells Fargo, Bank of New York Mellon, Standard Charter Bank, JP Morgan Chase tặng thưởng về chất lượng. Đây chính là một sự công nhận khách quan về chất lượng dịch vụ đạt chuẩn quốc tế của Agribank, cũng như thể hiện sự tin tưởng của khách hàng và các đối tác lớn đối với Agribank.
Để có được những thành công như trên, Agribank đã chú trọng phát triển sản phẩm dịch vụ thanh toán quốc tế bằng việc triển khai chính thức dịch vụ chuyển tiền đa tệ trong hệ thống; điều chỉnh hạn mức giao dịch hối đoái trên hệ thống Realtime; tiếp tục khai thác các lợi ích của sản phẩm UPAS L/C, bổ sung tính năng mới thông qua triển khai thỏa thuận tài trợ thương mại thông qua nghiệp vụ hoàn trả thư tín dụng với Wells Fargo.
Đến nay, Agribank được đánh giá là một trong những ngân hàng sử dụng sản phẩm UPAS L/C hiệu quả. Năm 2016, Agribank đã mở 70 món UPAS L/C, trị giá 14,8 triệu USD, tăng mạnh về số món so với năm 2015. Tích cực làm việc với các ngân hàng nước ngoài để phát triển sản phẩm mới và bổ sung các tính năng mới của sản phẩm thanh toán quốc tế hiện có như: Ngân hàng Wells Fargo (Trade Flatform, UPAS L/C), BNY Mellon (chuyển tiền đa tệ), ICBC, Maybank, CTBC, JP Morgan (UPAS L/C)
Với kinh nghiệm lâu năm trong thanh toán biên mậu, Agribank đang ở thế dẫn đầu thị trường ở phân khúc này. Năm 2016, doanh số thanh toán biên mậu với Trung Quốc của Agribank đạt 39.576 tỷ đồng, tăng 96% so với năm 2015. Tổng thu phí dịch vụ thanh toán biên mậu đạt 26 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015. Thu từ kinh doanh ngoại tệ trong thanh toán biên mậu đạt 21 tỷ đồng, tăng 110% so với năm 2015.
Trong năm qua, Agribank đã ký kết 2 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thanh toán biên mậu: Agribank chi nhánh Móng Cái ký kết thỏa thuận hợp tác thanh toán biên mậu với Ngân hàng Quế Lâm Trung Quốc; Agribank chi nhánh Lai Châu ký thỏa thuận hợp tác thanh toán biên mậu với Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Đồng thời, Agribank chi nhánh Hà Giang nghiên cứu, rà soát thỏa thuận hợp tác xuất nhập khẩu ngoại tệ mặt (đồng CNY) với Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Agribank cũng tiếp tục triển khai hệ thống thanh toán biên mậu với Trung Quốc thông qua hệ thống CBPS.
Bên cạnh đó, doanh số thanh toán biên mậu năm 2016 với Lào đạt 1.117 tỷ đồng, tăng 169% so với năm 2015; tổng thu phí dịch vụ thanh toán biên mậu năm 2016 với Lào đạt 1,7 tỷ đồng, tăng 467% so với năm 2015; thu từ kinh doanh ngoại tệ trong thanh toán biên mậu đạt 0,6 tỷ đồng, bằng với năm 2015.