Theo đó, tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP) chung của toàn ngành hàng không vẫn giữ ở mức cao, đạt 95,5% - tăng 2,3 điểm so với tháng trước, trong khi số chuyến bay khai thác tăng 3,8%.
Trong đó, hãng hàng không Bamboo Airways có tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP) đạt 96,9%, cao nhất toàn ngành và tăng 3,5 điểm so với tháng trước. Đứng ở vị trí thứ 2, với 0,1% thấp hơn là Pacific Airlines, với 96,8% chuyến bay đúng giờ.
Ngoài Bamboo Airways, 2 hãng bay còn lại trong top 3 hãng bay nội địa lớn nhất cũng ghi nhận tỉ lệ bay đúng giờ tăng so với tháng 10/2022, trong đó OTP của Vietnam Airlines đạt 96%, Vietjet Air đạt 94,3%.
Vasco tiếp tục bảo toàn tỷ lệ đúng giờ đã đạt trong tháng 10 khi ghi nhận 95,5% chuyến bay đúng giờ. Còn Vietravel Airlines là hãng bay duy nhất ghi nhận tỷ lệ đúng giờ giảm, với OTP đạt 87,91% - giảm 2,1 điểm so với tháng trước.
Cùng với đó, tỷ lệ hủy chuyến trong tháng 11/2022 của toàn ngành hàng không cũng ghi nhận sự cải thiện khi chỉ có 15 chuyến bay bị hủy trên 25.937 chuyến bay khai thác trong tháng, chiếm tỷlệ 0,06% và tương đương với giảm 0,33 điểm so với tháng 10/2022.
Cũng theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chuyến bay cất cánh trễ giờ trong tháng qua là do tàu bay về muộn và do các hãng hàng không. Còn nguyên nhân chủ yếu buộc các hãng phải hủy các chuyến bay trong tháng 11/2022 là do thời tiết.
Bước sang tháng 12, ngành hàng không Việt Nam đang chuẩn bị bước vào giai đoạn cao điểm lễ tết cuối năm. Dịp giáng sinh và nghỉ tết dương lịch năm nay đều rơi vào cuối tuần, người dân sẽ thuận tiện hơn để bố trí các hành trình đi lại, du lịch, thăm thân dịp cuối năm.
Mặt khác, các hãng bay và cảng hàng không đều đánh giá tích cực về tình hình khai thác trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Mặc dù nhu cầu đi lại dịp cuối năm và Tết sắp tới có thể chưa cao hơn đỉnh điểm của mùa hè vừa qua, nhưng đây cũng sẽ là đợt cao điểm có lượng hành khách rất lớn và tăng đột biến sau 2 cái Tết khá trầm lắng vì dịch bệnh vừa qua.
Từ tháng 10, các hãng hàng không Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch tăng chuyến Tết Quý Mão (từ ngày 15 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết 15 tháng Giêng năm Quý Mão) nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Theo đó, các hãng xây dựng kế hoạch khai thác 25.613 chuyến bay và dự kiến tăng thêm 8.079 chuyến tương đương 32% (từ 25.613 chuyến lên 33.691).
Để sẵn sàng cho mùa khai thác cao điểm cuối năm, Cục Hàng không Việt Nam đã ra chỉ thị yêu cầu các hãng hàng không giảm tối đa chậm hủy chuyến trong giai đoạn cao điểm. Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các hãng bố trí các chuyến bay khai thác buổi đêm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên cơ sở phù hợp với hạ tầng hàng không và công tác bảo đảm an ninh, an toàn.
Đồng thời, nhà chức trách hàng không cũng yêu cầu các hãng có biện pháp, giải pháp kiểm soát, giảm thiểu việc chậm, hủy chuyến bay và tiếp tục nâng cao ý thức, nghiêm túc và có trách nhiệm cao trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Về phía các hãng hàng không, các đơn vị đều đã sẵn sàng kế hoạch khai thác phục vụ giai đoạn cao điểm lễ tết cuối năm. Đại diện các hãng hàng không cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để khai thác tối đa công suất để phục vụ người dân trong dịp cao điểm cuối năm.
Các giải pháp công nghệ cũng được các hãng hàng không ứng dụng triệt để để tối ưu khai thác. Đồng thời, hãng khuyến nghị hành khách sử dụng các hình thức checkin như web-checkin, app check-in, kiosk check-in để giảm thiểu ách tắc và thời gian chờ đợi tại sân bay, góp phần giúp các chuyến bay cất cánh đúng giờ…
Số liệu mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong tháng 11/2022, sản lượng vận chuyển hành khách của 6 hãng bay Việt Nam đạt 4,3 triệu lượt khách, tăng 7% so với tháng 10/2022, tăng 634% so với tháng 11/2021 và giảm 5% so với tháng 11/2019. Trong đó, khách quốc tế đạt 835.000 lượt, tăng 8% so với tháng 10/2022, tăng 3.5% so với tháng 11/2021 và giảm 46,5% so với tháng 11/2019; vận chuyển khách nội địa đạt 3,5 triệu lượt khách, tăng 5% so với tháng 10/2022, tăng 509% so với tháng 11/2021 và tăng 12,5% so với tháng 11/2019…