Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam, cho biết: Việc được chính thức triển khai thí điểm Đề án giúp Uber thêm động lực tiếp tục cải tiến công nghệ, mang lại lợi ích cho người dùng Uber và tài xế đối tác, cũng như khẳng định tiềm năng của dịch vụ có thể phát triển khắp các thành phố lớn tại Việt Nam.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Uber đã bổ sung hoàn thiện đầy đủ các điều kiện trong dự án thí điểm theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải, nên Bộ đã chấp thuận cho Uber tham gia thí điểm cùng Grab. Tuy nhiên, để được hoạt động Uber phải làm việc với các địa phương trên cơ sở chấp nhận của địa phương để triển khai đề án.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã hai lần bác Đề án thí điểm của Uber tại Việt Nam. Đặc biệt trong văn bản gửi đến Công ty TNHH Uber Việt Nam ngày 9/2 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc Công ty Uber BV (công ty mẹ tại Hà Lan) ủy quyền cho Uber Việt Nam tham gia đề án thí điểm là chưa phù hợp. Ứng dụng Uber có tính năng hoạt động tương tự “ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử” nên cần được thực hiện các thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Uber Việt Nam khi chưa hoàn thiện các nội dung của đề án để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam thì không cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành.
Ngày 14/2, Uber đã đề nghị làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về những kết luận trên. Theo đó, đại diện Uber Việt Nam hứa sẽ tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong hoạt động kinh doanh của mình. Đồng thời sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm tham gia đề án thí điểm của Bộ Giao thông Vận tải.