Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn xuất khẩu 2022 với chủ đề "Vận hội mới cho xuất khẩu - tận dụng thời cơ để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, ngày 8/12.
Phục hồi ấn tượng
Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC cho biết, năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, ngoài việc phục hồi nhanh hơn dự kiến trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng nội địa thì xuất khẩu chính là động lực lớn. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 616,24 tỷ USD tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước
Tp. Hồ Chí Minh đạt mức tăng trưởng trên 9% cũng có sự đóng góp lớn của hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp thành phố xuất qua cảng của thành phố bao gồm cả dầu thô, trong 10 tháng năm 2022 đạt gần 36 triệu USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu có tăng trưởng cao của Tp. Hồ Chí Minh bao gồm nhóm dệt, may (đạt 3.765,6 triệu USD, tăng 42,7%); nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (đạt 2.2,7 triệu USD, tăng 33,5%); nông sản (đạt 3.5,7 triệu USD, tăng 6,1%), nhóm hàng thủy hải sản (đạt 1.111,3 triệu USD, tăng 69,7%) so với cùng kỳ năm 2021.
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh với kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 8.232,6 triệu USD, tăng 7,3% so cùng kỳ và chiếm 22,9% tỷ trọng xuất khẩu. Xếp thứ hai là thị trường Mỹ đạt 6.321,2 triệu USD, tăng 19,9%; thị trường Nhật Bản đứng thứ 3 với 2.424,6 triệu USD, tăng 24,0%. Riêng với thị trường EU, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đạt 4.943,6 triệu USD, tăng 19,7%, chiếm 13,7%.
Ông Mizushima Kozo, Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh (JCCH) cho biết, so với các nước Đông Nam Á khác, tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam vô cùng ấn tượng. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2022 đạt 6.42%, vượt xa mức kỳ vọng và năm 2023 con số này được dự báo sẽ vượt hơn 7%. JCCH đã tiến hành khảo sát về tình hình khôi phục kinh tế của các doanh nghiệp vào tháng 11/2021 (ngay sau khi Tp. Hồ Chí Minh trở lại bình thường mới) và vào tháng 6/2022. Theo kết quả khảo sát, tháng 11/2022 mức tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp chỉ đạt 45% thì sang tháng 6/2022 con số này đã tăng lên 63%.
Ngoài ra, JCCH cũng lấy ý kiến về tình hình quay lại sản xuất của các nhà máy. Kết quả cho thấy, đến tháng 9 năm nay khoảng 60% doanh nghiệp đã phục hồi 100% hoạt động của nhà máy, nếu tính luôn cả các nhà máy có mức phục hồi hơn 90% thì con số này chiếm 80% tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát. 63% doanh nghiệp cho biết trong 1-2 năm tới sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đang kỳ vọng rất lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cơ hội tiến sâu vào chuỗi cung ứng
Dù những tháng cuối năm, hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu chịu nhiều ảnh hưởng bởi ảnh hưởng của lạm phát, song các chuyên gia cho rằng đó chỉ là khó khăn mang tính giai đoạn. Các doanh nghiệp, ngành hàng có đầu tư cho chiến lược phát triển bền vững sẽ có cơ hội tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong dài hạn.
Ông Trần Phú Lữ cho biết, dự báo khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu sẽ kéo dài sang đầu năm 2023, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào diễn biến lạm phát, các biện pháp phòng, chống dịch của các nước lớn, tình hình kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn nhưng đây cũng là vận hội mới để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vươn lên, tiếp tục giữ vững sự tăng tưởng xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở tận dụng hiệu quả các lợi thế đang có.
Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam được hưởng ưu đãi cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Mặt khác, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã từng bước khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu, nhất các sản phẩm nông-lâm-thủy sản, dệt may, da giày, điện thoại các loại và linh kiện, hàng điện tử - những mặt hàng đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu.
Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao. Doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm bắt tốt cơ hội này để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng kim ngạch xuất khẩu của mình.
Ông Alex Tatsis, Trưởng phòng kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Hoa Kỳ đề cao khả năng thích của chuỗi cung ứng và trong những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ trên toàn cầu và là điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng những hàng hóa thiết yếu cho nền kinh tế Hoa Kỳ, từ chất bán dẫn phục vụ sản xuất điện thoại và ô tô đến các tấm pin mặt trời để thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các liên kết chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ với Việt Nam không chỉ diễn ra một chiều mà ngày càng hướng đến sự cân bằng. Việt Nam cũng nhập khẩu chip máy tính, gỗ cứng, bông và thức ăn chăn nuôi từ Hoa Kỳ để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất chất bán dẫn, đồ nội thất, may mặc và hải sản trong nước. Thương mại hai chiều giúp Việt Nam phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu sang các thị trường trên toàn thế giới.
Ông Alex Tatsis nhấn mạnh, Hoa Kỳ đặc biệt chú trọng đầu tư để giúp Việt Nam tăng cường vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dài hạn.
Cụ thể, Hoa Kỳ tăng cường thuận lợi hóa thương mại và khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận nguồn tài chính và thực hiện chuyển đổi số. Điều này giúp các doanh nghiệp tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vì lợi ích chung của hai quốc gia.