Tập đoàn Dệt May Việt Nam là đơn vị có nhiều công ty con cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Theo danh sách, trong số 346 doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành thì Tập đoàn Dệt May Việt Nam có 21 công ty – là đơn vị nhiều công ty con nhất thuộc diện trên, ví dụ như: Tổng công ty cổ phần Dệt May Nam Định, Công ty cổ phần Len Việt Nam, Tổng công ty cổ phần May 10, Công ty may Nam Định, Công ty Chiến Thắng, Công ty cổ phần Tư cấn xây dựng và Dịch vụ đầu tư…
Báo cáo cho thấy, lý do những công ty trên chưa niêm yết là do khó khăn trong quá trình thay đổi tổ chức, cơ cấu lại hoạt động doanh nghiệp, đang thực hiện di dời, sẽ tăng vốn từ nguồn chuyển mục đích sử dụng đất, hay số lượng cổ đông nhỏ hơn 100 người và vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng….
Cũng với lý do công ty không đủ số lượng cổ đông cần thiết để trở thành công ty đại chúng hoặc công ty có vốn điều lệ không đủ điều kiện khiến cho nhiều công ty khác giải thích cho việc đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có 8 công ty thuộc diện trên như Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh, Công ty cổ phần Vận tải và dịch vụ Petrolimex Thừa Thiên Huế, Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex,…
Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam gồm Công ty cổ phần Đại lý hàng hải, Công ty cổ phần Than Miền Nam, Công ty cổ phần Kinh doanh than Cẩm Phả…; Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội có Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội, Công ty cổ phần Bao bì Habeco, Công ty cổ phần Bia Hà Nội – Quảng Trị,...
Ngoài ra, còn một loạt các “ông lớn” bị nhắc tới như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Công ty cổ phần điện cơ Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần xây lắp Điện lực viễn thông Hà Nội…); Tổng công ty Xây dựng số 1 (Công ty cổ phần Xây dựng số 14, Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh nhà Cửu Long, Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuât vật liệu xây dựng); Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Công ty cổ phần In đường sắt Sài Gòn, Công ty cổ phần Viễn thông – Tín hiệu đường sắt, Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch đường sắt Hà Nội), Tổng công ty Đầu tư và phát triển Nhà và Đô thị…
Bên cạnh đó, hơn 400 doanh nghiệp tại các địa phương cũng được Bộ Tài chính nêu đích danh; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm số đông với 11 công ty mẹ và hàng trăm công ty con đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ công khai danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Đây là lần thứ hai tên của các doanh nghiệp chậm lên sàn sẽ bị đưa công khai (lần đầu là cuối tháng 4 với 528 doanh nghiệp), được coi là một trong những biện pháp đối với các doanh nghiệp chưa đưa cổ phiếu lên sàn công khai hoạt động kinh doanh của mình.