Đề án GrabCar được phê duyệt: Người mừng, kẻ không vui!

Việc đặt lệnh phần mềm gọi xe GrabTaxi và Uber lại “dậy sóng” khi mới đây, Hiệp hội Vận tải Hà Nội (HHVT) đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tạm dừng hoạt động này. Có ý kiến cho rằng: Vấn đề Uber hay GrabTaxi đang gặp phải là ‘vướng’ các quy định về điều kiện hoạt động, nhưng kiến nghị của HHVT cũng vấp phải sự phản đối của nhiều người đi taxi.


Người dùng phấn khởi, Hiệp hội chưa “mặn mà”


Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, chị Phạm Thị Mùi (Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Chị dùng phần mềm GrabTaxi từ rất lâu vì ngoài việc được hưởng các mã khuyến mại, xe không chạy vòng vo mà giá cước rẻ hơn taxi thông thường. “Nếu trước kia đi taxi truyền thống từ Khu Làng sinh viên Hacinco đến cơ quan - phố Nguyễn Du, tôi phải trả 80 – 90.000 đồng thì gọi xe Grab với mã khuyến mại 40.000 đồng, tôi chỉ mất khoảng 40 - 50.000 đồng.


Không chỉ chị Mùi mà rất nhiều khách hàng chia sẻ rằng họ hài lòng về sự tiện ích GrabTaxi vì biết được xe taxi nào đang đứng gần mình nhất để đặt lệnh gọi; nắm rõ thông tin tài xế, họ tên, số điện thoại và biển số xe; biết được số km quãng đường đi và ước số tiền phải trả. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng tài xế cố tình chạy vòng vo để “moi” tiền khách. Bên cạnh đó, thái độ phục vụ của tài xế cũng rất văn minh vì nếu không uy tín, khách hàng sẽ đánh giá "ít sao" sau khi hoàn thành chuyến đi.


Không chỉ vậy, GrabTaxi còn mang lại lợi ích cho các tài xế. Theo anh Ngọc Long - một tài xế taxi, nhờ hợp tác với Grab, khách của anh ngày càng đông, thu nhập tăng thêm khoảng 10 triệu đồng/tháng. GrabTaxi sẽ thu phí theo % của từng chuyến đi. Chuyến đi 100.000 đồng thì tài xế trả cho Công ty 5.000 đồng (chỉ áp dụng với chuyến đi 40.000 đồng trở lên). Anh Long cho rằng: Tỉ lệ và cách tính này là hợp lý. Không những thế, anh còn tiết kiệm được khá nhiều tiền xăng vì không phải đi lòng vòng đón khách.


Ứng dụng phần mềm GrabTaxi trên điện thoại thông minh


Chính vì những tiện ích trên mà số người tải phần mềm, gọi xe GrabTaxi ngày càng nhiều đồng nghĩa với việc một số hãng taxi truyền thống có vẻ “không vui” do bị san sẻ lượng khách. Còn lý do HHVT Hà Nội chưa “mặn mà” vì cho rằng, Uber và GrabTaxi đang sử dụng xe không biển hiệu, logo, tem mào; hoạt động tự do không theo luật và tự định giá cước. Điều này trái với các quy định về vận chuyển hành khách công cộng, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong điều hành và điều tiết giao thông.


Trước vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc, Công ty TNHH GrabTaxi nói: "Chúng tôi tận dụng sức mạnh của công nghệ để mang lại lợi ích cho xã hội chứ không dùng giá thấp để cạnh tranh. Ứng dụng công nghệ thông tin - CNTT trong dịch vụ vận tải đã giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh lên rất nhiều, đặc biệt giảm thiểu chi phí điều hành, qua đó giúp giảm giá thành. Công ty TNHH GrabTaxi là pháp nhân thành lập ở Việt Nam, chúng tôi cam kết luôn hợp tác với các cơ quan chức năng để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật".


Khuyến khích ứng dụng CNTT trong vận tải


Tuy nhận được nhiều thiện cảm nhưng Uber hiện chưa phải là loại hình hoạt động vận tải hợp pháp theo quy định. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Uber muốn hoạt động thì phải đăng ký kinh doanh, hoàn thành nghĩa vụ thuế và quản lý lái xe phù hợp với pháp luật Việt Nam.


Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (GrabCar). Theo đó, GrabTaxi là doanh nghiệp duy nhất đủ điều kiện thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tại 5 tỉnh thành: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Bộ GTVT đang xây dựng kế hoạch và khi triển khai, GrabTaxi sẽ được đăng ký hoạt động, đóng thuế bình thường.


Đề cập về việc Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm Đề án GrabCar, nhiều đại biểu Quốc hội đã tán thành quyết định này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết: Chính phủ cho phép thí điểm Đề án GrabCar tại các thành phố là rất cần thiết bởi vì, việc điều hành chính sách của Nhà nước luôn phải hướng tới phục vụ số đông, phục vụ người tiêu dùng chứ không phải vì lợi ích của doanh nghiệp nào cả. “Có thể về mặt luật pháp, cũng phải làm rõ để tạo khuôn khổ cho dịch vụ mới hoạt động được. Nhưng cơ bản, khoa học kỹ thuật phát triển thì qui định, chính sách cũng phải thay đổi theo. GrabCar là hoạt động theo cách thức, theo công nghệ mới thì qui định nào không phù hợp thì chúng ta phải sửa”, ông Kiên nói.


Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay: Việc sử dụng CNTT, kết nối hành khách với doanh nghiệp vận tải như Grabtaxi và Uber vừa qua là cách làm sáng tạo, đưa ứng dụng CNTT vào thủ tục hành chính trong vận tải. Việc kết nối dịch vụ vận tải này sẽ trợ giúp các HHVT triển khai hợp đồng vận tải theo chuyến trước đây làm bằng giấy, bằng tay nay bằng CNTT, điện tử, minh bạch hóa hợp đồng vận tải, minh bạch giá phí và giúp kiểm soát bất cứ hợp đồng nào.


“Tôi hiểu HHVT Hà Nội lo ngại các đơn vị không có giấy phép vận tải nhưng vẫn tham gia các hoạt động dịch vụ vận tải theo hình thức kết nối như GrabTaxi, xây dựng các hợp đồng mà hoạt động bất hợp pháp thì cái đó phải quản lý và xử lý nghiêm chứ không phải có cái tốt lên mà xử lý nó. Chúng tôi định hướng phải quản lý để doanh nghiệp vận hành theo quy định vận tải dù bằng giấy hay hợp đồng điện tử thì chính sách công bằng như nhau”, ông Trường khẳng định.


Theo Bộ GTVT, Grab đã sử dụng xe đã có biển hiệu, biển số, đã đóng thuế, hoạt động an toàn với cả người lái, hành khách...và đã công khai còn Uber thực chất là cách thức sử dụng xe nhàn rỗi để tham gia vận chuyển. “Lẽ ra, các xe đó (Uber) phải đăng ký vào một doanh nghiệp vận tải, được phép chuyên chở, phải được kiểm tra bất cứ lúc nào và dễ dàng được quản lý trên hệ thống” - Thứ trưởng Trường nói.


Trả lời câu hỏi của báo chí về việc hiện nay các xe hợp đồng tham gia Đề án thí điểm GrabCar có phải tuân thủ hoàn toàn các quy định của nghị định 86/CP của Chính phủ và Thông tư 63/TT-BGTVT hay không? Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: Nếu thí điểm mà thực hiện đúng theo quy định của Nghị định 86 và Thông tư 63 thì không thể làm được. Cho nên thí điểm cũng phải vượt khung đó ra, xem nó có nhược điểm gì mới thực hiện.


Về việc trên thị trường hiện nay đã xuất hiện một số phần mềm ứng dụng kết nối khác, ông Trường nhấn mạnh: “Chỉ những đơn vị nào có Đề án thí điểm được phê duyệt mới được thực hiện.”

M.Phương-Q.Mạnh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN