Tại hội thảo góp ý cho Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia của Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát tỏ ý băn khoăn trước quy định “bia sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam phải dán tem trên bao bì sản phẩm”.Ông Việt cho biết, hiện nay Việt Nam sản xuất khoảng hơn 3 tỉ lít bia/năm, tương đương với khoảng 10 tỷ sản phẩm, tức là cần đến 10 tỷ con tem. “Việc dán tem rất khó khăn và tốn kém. Vì vậy chưa nên đưa vào nghị định lần này”, ông Việt đề nghị.
Nếu các hãng bia buộc phải dán tem lên các sản phẩm theo quy định tại nghị định mới, chi phí sản xuất sẽ đội lên cao. |
Đồng tình với quan điểm của ông Việt, đại diện các công ty bia cũng tỏ ra lo lắng trước quy định này. Ông Vũ Xuân Dũng, Phó TGĐ Công ty bia Hà Nội đề nghị cần có nghiên cứu cụ thể hơn. Ông Dũng tính toán, một con tem có chi phí khoảng 160 – 170 đồng. Như vậy với khoảng 10 tỷ con tem thì chi phí quá lớn, lên tới 1.600 – 1.700 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, chi phí của doanh nghiệp (DN) cũng chính là chi phí của xã hội.
“Các nhà máy khác nhau sử dụng công nghệ khác nhau, dây chuyền khác nhau nên khi dán tem sẽ cần phải khảo sát cho phù hợp. Các sản phẩm khác nhau như lon, chai… thì cách dán tem cũng khác nhau. Do đó cần có đề án riêng đối với việc dán tem này, chưa nên đưa vào nghị định”, ông Dũng đề xuất.
Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó phòng Marketing, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng tính toán, nếu quy định mới này được áp dụng thì mỗi năm, công ty của ông phải chi khoảng 800 tỷ đồng cho việc dán tem, vượt quá khả năng quỹ marketing cho phép.
Cũng theo vị này, việc dán tem phù hợp với bia lon hơn bia chai. “Vì bia chai thì được sản xuất quay vòng, có thể dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, như là dùng tay dán lại tem lên sản phẩm. Việc này cũng tốn thêm một khoản chi phí tương đối lớn như: máy móc nhận diện tem, nhân lực giám sát việc dán tem”, vị đại diện này phân tích.
Trước băn khoăn của các DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Kim Thoa cho biết, nếu tính sản lượng chung, 4 tỉ sản phẩm ngành thuốc lá mỗi năm cũng đã thực hiện dán tem được thì vì sao bia không thực hiện được. Bà Thoa cho biết, nếu quy định dán tem được áp dụng, những cán bộ quản lý thị trường sẽ được trang bị một thiết bị máy móc có thể phát hiện tem thật hay tem giả.
Tuy nhiên, bà Thoa cũng cho biết Bộ Công Thương sẽ không cứng nhắc mà sẽ điều chỉnh dự thảo cho phù hợp hơn. “Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu thêm, không phải vì mục tiêu quản lý mà làm khó cho DN và người dân”, bà Thoa nhấn mạnh.
Hoàng Dương