Sốc vì tăng thuế tài nguyên
Theo tờ trình của Bộ Tài chính gửi Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị Quyết 712/UBTVQH13 ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, dự kiến sẽ điều chỉnh mức thuế suất đối với từng nhóm, loại tài nguyên. Khoáng sản là kim loại sẽ nâng thuế suất của các mặt hàng như sắt từ 12% lên 14%; titan từ 16% đến 18%, vàng từ 15% lên 17%, chì và kẽm từ 10% lên 15%...
Khoáng sản không phải kim loại như đá hoa trắng sẽ tăng thuế suất từ 9% lên 15% (mức kịch trần); cát từ 11% lên mức 15%, cát làm thủy tinh từ 13% lên 15%; đất làm gạch từ 10% lên 15%, granite từ 10% lên 15%; than từ 7% lên 10%... Riêng các sản phẩm của rừng tự nhiên như gỗ sẽ giảm từ mức trần 35% xuống kịch sàn là 10% đến 25%.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, việc điều chỉnh thuế suất đối với từng nhóm, loại tài nguyên cho phù hợp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước trong việc khai thác tài nguyên quốc gia, góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Nhà nước về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; đảm bảo phù hợp với tiến trình đổi mới cơ chế quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển rừng theo Nghị quyết 30/NQ-TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, đồng thời góp phần đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật về nguồn thu ngân sách Nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội ngành hàng, là những đối tượng đã, đang và sẽ chịu tác động đầu tiên của việc thay đổi chính sách thuế.
Ông Vũ Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo cho biết: “Chưa kể thuế thu nhập doanh nghiệp thì hiện gánh nặng chi phí thuế của Công ty Núi Pháo đã chiếm tới 30% tổng chi phí của các hoạt động trực tiếp. Trong đó hơn 50% là chi phí thuế tài nguyên”.
Chính sách thuế thay đổi liên tục trong khoảng thời gian ngắn đã và sẽ gây tác động kép tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sự mất ổn định cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam, khiến các doanh nghiệp không muốn đầu tư sâu vào chế biến khoáng sản mà chỉ tập trung vào khai thác nhỏ, lẻ để bán khoáng sản thô.
Nhiều chuyên gia có mặt tại hội thảo dẫn chứng rằng, Việt Nam hiện là nước có khung thuế suất thuế tài nguyên cao trên thế giới. Như Trung Quốc là nước khai thác khoáng sản hàng đầu thế giới nhưng có mức thuế suất tài nguyên chỉ từ 5% đến 10%; Australia áp dụng thuế tài nguyên đối với khoáng sản là kim loại dao động từ 1,6% đến 7,5%.
Ngoài ra, cũng bất hợp lý khi tính toán tăng thuế tài nguyên để bù đắp thuế xuất khẩu khoáng sản, vốn sẽ bị giảm và xóa bỏ khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ ký kết có hiệu lực.
PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam nhận định, chính sách thuế, phí đối với khoáng sản ngày càng tăng cao, cùng với điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp làm cho giá thành sản phẩm cũng ngày càng tăng lên. Điều đó, dẫn tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bị giảm sút, khiến họ phải “xoay xở” nhiều biện pháp gây bất lợi cho khai thác nhằm tận thu tối đa và có lãi như mong muốn.
Do đó, chính sách thuế, phí hiện hành đối với khai thác khoáng sản không nên theo tư duy “tham đĩa, bỏ mâm” – chỉ vì tăng thu thêm một khoản cho ngân sách mà để tổn thất một lượng tài nguyên khoáng sản trong lòng đất có giá trị gấp nhiều lần, ông Nam khuyến cáo.
Thuế tài nguyên cần đảm bảo sự hài hòa về lợi ích
Bà Đỗ Thị Hồng, đại diện trên 60 doanh nghiệp khai thác đá hoa trắng ở Lục Yên, Yên Bái và ở tỉnh Nghệ An cho rằng, nếu quyết định tăng thuế tài nguyên được thông qua sẽ tạo sức ép lớn đối với nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Bởi đối với ngành này, các doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn vào hệ thống máy móc, dây chuyền công nghệ và thiết bị khai thác. Việc thay đổi chính sách thuế liên tục như trong vài năm qua, khiến doanh nghiệp chưa kịp hoàn vốn đã thất thu không ít, chưa nói đâu tới chuyện có lãi.
Thực tế là thuế tài nguyên hiện đang tính theo sản lượng khoáng sản khai thác được, nên dễ gây tâm lý “dễ làm, khó bỏ” và dẫn tới tình trạng tổn thất tài nguyên. Vì thế, việc điều chỉnh tăng, hay giảm thuế suất cần có sự cân nhắc, tính toán và áp dụng theo từng lộ trình phù hợp.
Bà Vũ Hương, chuyên gia nghiên cứu thuộc Nhóm công tác Thuế, Diễn đàn doanh nghiệp cho rằng, việc tăng thuế tài nguyên là cần thiết, nhưng lộ trình tăng cần thực hiện từng bước và giãn ra để không làm xáo trộn và gây bất ổn đối với môi trường đầu tư. Tăng thuế suất thuế tài nguyên ở thời điểm hiện tại cho thấy chính sách thuế thiếu ổn định, tác động tới môi trường kinh doanh, vốn đang từng bước được nỗ lực cải thiện.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng thuế suất thuế tài nguyên sẽ gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp. Nếu thuế tăng cao không hợp lý sẽ chỉ khuyến khích doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật, có xu hướng gian lận, không bảo vệ môi trường và gây tổn hại tới xã hội. Ngược lại, sẽ đảm bảo doanh nghiệp khai thác hiệu quả, bảo vệ môi trường và đóng góp lớn cho ngân sách.
Chính sách thuế cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, cộng đồng dân cư nơi mở hoạt động khai thác khoáng sản, cũng như lợi ích của nhà đầu tư NĐT cũng cần được coi trọng. Bằng không, sẽ khó đạt được sự phát triển trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, ông Lộc khuyến nghị.