Đây là nội dung được các doanh nghiệp đề cập tại Hội thảo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối và Hiệp hội Cao su Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 8/11.
Nhiều vướng mắc về thuế
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những nước có truyền thống về phát triển cao su thiên nhiên, kể cả truyền thống lịch sử, quy mô cũng như năng suất và hiệu quả của đóng góp vào nền kinh tế. Theo số liệu thống kê hằng năm 3 sản phẩm chính của ngành cao su (cao su thiên nhiên, sản phẩm công nghiệp từ cao su và gỗ cao su) đóng góp 7 -8 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngành cao su không chỉ là sản xuất đảm bảo kinh tế, tạo việc làm cho khoảng 500.000 lao động mà còn đóng góp vào độ che phủ về môi trường, đặc biệt là góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành cao su phản ánh hiện nay rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ gặp khó khăn bắt nguồn từ cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách về thuế, đất đai… Ông Nguyễn Viết Tượng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đăk Lăk nêu bất cập trong chính sách thuế giá trị gia tăng. Các nông, thủy sản chỉ mới qua sơ chế, chưa chế biến thành sản phẩm khác đang được hưởng chính sách không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, sản phẩm mủ cao su sơ chế cũng nằm trong nhóm sản phẩm trồng trọt lại không được áp dụng chung mà phải chịu mức thuế giá trị gia tăng là 5% đã gây khó khăn vướng mắc lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cao su.
Mặc dù, các doanh nghiệp sẽ được hoàn lại thuế giá trị gia tăng sau khi xuất khẩu, nhưng thời gian chờ hoàn thuế phải từ 4 - 9 tháng, có trường hợp còn lâu hơn gây tốn kém chi phí để trả lãi suất vay ngân hàng cho số vốn tạm nộp thuế giá trị gia tăng. Trong bối cảnh tài chính khó khăn như hiện nay, có những doanh nghiệp đã nộp hàng chục tỷ đồng thuế giá trị gia tăng, không còn dòng vốn để phục vụ sản xuất và phải mòn mỏi chờ hoàn thuế.
Cũng liên quan đến thuế giá trị gia tăng, bà Trần Lệ Thu, đại diện Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận nêu vấn đề: doanh nghiệp thu mua mủ từ nhiều địa phương khác nhau, đều đã đóng thuế đầy đủ tại các địa phương nhưng khi làm thủ tục hoàn thuế tại Tp. Hồ Chí Minh lại phải chờ cơ quan thuế đi xác minh hoá đơn ở các tỉnh thành. Cục Thuế các tỉnh chưa có sự kết nối, gây chậm trễ trong việc xác minh, chậm trễ hoàn thuế cho doanh nghiệp, trong khi số thuế công ty đã đóng lên đến hơn 50 tỷ đồng. Với tình trạng này, công ty đã phải cắt giảm hoạt động, nhiều khi có đơn hàng cũng không dám nhận vì không có vốn để thực hiện hoạt động nhập hàng, xuất khẩu.
“Việc chậm trễ trong xác minh gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Đôi khi có những hóa đơn từ vài năm trước, đến giờ mới đi xác minh, nhưng đơn vị đối tác đã ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc bị báo cáo có nợ xấu, trốn thuế… là doanh nghiệp không được hoàn lại số tiền thuế đã đóng”, bà Trần Lệ Thu cho biết.
Ngoài thuế giá trị gia tăng, các doanh nghiệp cũng đề cập đến thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ thanh lý vườn cây cao su. Theo các doanh nghiệp, trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và thanh lý cây cao su được thực hiện theo một chu kỳ liên tục.
Việc thanh lý cây cao su cũng giống như các loại cây trồng, vật nuôi khác, khi thanh lý có giá trị thu hồi, nhưng các loại cây trồng vật nuôi khác được hưởng chính sách miễn thuế trong khi cây cao su lại phải chịu mức thuế cao đến 20%.
Vì vậy, việc “trừ thanh lý vườn cây cao su” khỏi đối tượng hưởng thuế suất ưu đãi đối với sản phẩm trồng trọt là chưa phù hợp. Sự thiếu đồng bộ về chính sách thuế đã tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản và thủy hải sản.
Về chính sách tài chính đối với đất đai, đại diện Công ty YNHH Một thành viên Cao su Chư Prông phân tích: cây cao su có giai đoạn xây dựng cơ bản kéo dài khoảng 6 - 8 năm. Sau 20 - 25 năm thu hoạch mủ, cây cao su sẽ được khai thác gỗ để trồng lại và tiếp tục chu kỳ tiếp theo. Để tái canh, các doanh nghiệp phải tập trung vốn đầu tư cho công tác phục hoang, trồng mới, chăm sóc trong 6 - 8 năm, nên chưa có doanh thu, lợi nhuận, không có nguồn để nộp tiền thuê đất. Mặt khác, tiền thuê đất sẽ hạch toán vào chi phí đầu tư của vườn cao su tái canh, tính khấu hao vào giá thành sản phẩm, làm tăng giá thành trong khi giá bán cao su hiện nay rất thấp. Như vậy, việc nộp tiền thuê đất trong giai đoạn này sẽ làm tăng chi phí đầu tư cũng như làm giảm tính cạnh tranh của cao su Việt Nam so với các nước khác.
Sớm tháo gỡ
Với nhiều phản ánh từ doanh nghiệp, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã có kiến nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mủ cao su sơ chế như những nông, thủy sản sơ chế khác. Đồng thời, xem xét lại việc phân loại doanh nghiệp, doanh nghiệp nào có quá trình chấp hành tốt pháp luật về thuế thì được xét hoàn thuế trước theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế số /2019/QH14 ngày 13/06/2019 tại Điều 73 về phân loại hồ sơ hoàn thuế và tại Khoản 2 Điều 75 về thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ thu hoạch gỗ cây cao su thanh lý như các sản phẩm trồng trọt khác; miễn giảm tiền thuê đất đối với diện tích trồng cây cao su tái canh trong thời gian xây dựng cơ bản; tính tièn sử dụng đất theo năng suất, hiệu quả thay vì vị trí đất như hiện nay.
Trả lời các nội dung doanh nghiệp nêu ra, bà Trần Thị Tuyết, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính chia sẻ: nếu so sánh với sản phẩm trồng trọt khác như cà phê, điều… thì việc áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 5% đối với mủ cao su sơ chế và 10 5 với mủ cao su qua chế biến có vẻ không công bằng.
Tuy nhiên, việc tính thuế giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất được khấu trừ đầu vào, nếu không tính thuế giá trị gia tăng cho mủ sơ chế thì các doanh nghiệp không được khấu trừ các khoản đầu vào để hoàn thuế. Vì vậy, doanh nghiệp và hiệp hội nên cân nhắc đến kiến nghị miễn thuế giá trị gia tăng cho mủ cao su sơ chế.
Cùng quan điểm, ông Trần Minh Quốc, Phó phòng tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, Cục thuế Tp. Hồ Chí Minh phân tích: về bản chất, thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm đều do người tiêu dùng chi trả, doanh nghiệp xuất khẩu chỉ tạm ứng đóng trước và làm thủ tục hoàn thuế sau đó.
Ông Trần Minh Quốc cũng nhấn mạnh, việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đều đảm bảo đúng quy định pháp luật, việc xác minh hoá đơn là công đoạn bắt buộc. Tuy nhiên, tỷ lệ và mức độ xác minh cũng được dựa trên đánh giá mức độ rủi ro của doanh nghiệp. Với thời gian trả lời xác minh hoá đơn thông thường hiện nay là 10 ngày, một số trường hợp phức tạp thì không quá 30 ngày. Các doanh nghiệp đang có vướng mắc về thời hạn hoàn thuế giá trị gia tăng tại Cục thuế Tp. Hồ Chí Minh có thể cung cấp thông tin cụ thể thông qua Hiệp hội để Cục thuế rà soát và có phản hồi chính xác nhất về các vấn đề của doanh nghiệp.
Ông Trần Ngọc Thuận cho rằng, các chính sách thuế ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Do đó, doanh nghiệp cần sự quan tâm của Bộ Tài chính để chính sách thuế được tháo gỡ nhanh hơn, tốt hơn, hỗ trợ cho ngành cao su phát triển.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cũng cần có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng mủ cao su sơ chế vào sản xuất ra sản phẩm công nghiệp trong nước nhiều hơn thay vì chủ yếu xuất thô như hiện nay. Về lâu dài, cần khuyến khích thành lập các hợp tác xã để liên kết diện tích cao su tiểu điền, qua đó triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người trồng cao su và đảm bảo chất lượng nguyên liệu cho sản xuất, chế biến.