Trong 10 năm qua, Hà Nội đã tổ chức 2.500 đợt bán hàng về nông thôn với 60.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 4 triệu lượt người mua sắm, doanh thu đạt hơn 500 tỷ đồng...
Các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, trung bình chi phí vận chuyển, thuê gian hàng và nhân công về các xã gần trung tâm thành phố, doanh nghiệp phải bỏ ra từ 12 - 15 triệu đồng (chưa kể đến các xã vùng sâu, vùng xa). Chi phí lớn, đòi hỏi doanh thu mỗi chuyến bán hàng về nông thôn phải đạt từ 150 - 170 triệu đồng mới có thể hòa vốn. Chi phí nhiều nhưng trung bình doanh thu mỗi phiên chợ Việt chỉ đạt 90 - 100 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ Việt Nam không tham gia chương trình này.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam phân tích, việc doanh nghiệp vừa và nhỏ không muốn tổ chức các chuyến hàng Việt về nông thôn là vì thời điểm chỉ tập trung vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán theo hình thức hội chợ, không có chiều sâu.
Khi kết thúc, người tiêu dùng muốn mua thêm sản phẩm cũng biết tìm ở đâu, kết nối bằng cách nào. Thậm chí, tại một số địa phương còn xuất hiện việc doanh nghiệp lợi dụng phiên chợ Việt tổ chức ở vùng sâu vùng xa để bày bán sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí còn có cả hàng “nhái” thương hiệu của các doanh nghiệp trong nước...
Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ chưa mặn mà với hoạt động này là do chi phí tài chính và nhân lực lớn, hàng đưa về nông thôn hầu như không có lãi. Việc đưa hàng Việt về nông thôn sau khi trừ chi phí, điều mà doanh nghiệp thu lại được chính là cảm tình của nhân dân. Có lẽ vì vậy mà hiếm khi thấy doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài tham gia chương trình này.
Theo các chuyên gia, thị trường nông thôn rộng lớn nhưng hệ thống bán lẻ hiện đại chưa vươn tới, sức tiêu thụ thấp nên khó thu hút donh nghiệp. Trưởng Bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam Nguyễn Anh Dũng cho rằng, doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường này không nên tham vọng phủ hàng hết các cửa hàng đang có ở thị trường nông thôn mà phải xác định được đâu là điểm cần tổ chức bán hàng, từ đó, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của doanh nghiệp bán lẻ.
Để thu hút các doanh nghiệp tham gia đưa hàng về nông thôn, nhà nước cần có sự hỗ trợ, quan tâm thông qua những chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống bán lẻ tại thị trường này. Theo Sở Công Thương Hà Nội, thời gian tới, Bộ Công Thương cần tổ chức quy hoạch mạng lưới phân phối ở vùng nông thôn, doanh nghiệp lấy đó làm cơ sở thiết lập các điểm bán hàng cố định, tạo liên kết vững chắc với thị trường. Các cơ quan quản lý và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục giấy tờ, mặt bằng kinh doanh để xây dựng hệ thống phân phối, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch triển khai hoạt động bán hàng Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố năm 2019. Cụ thể, Sở Công Thương vận động các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tổ chức khoảng 200 chuyến bán hàng lưu động trên địa bàn quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất nơi đông nhân dân, người lao động sinh sống, học tập và làm việc liên tục trong năm, tập trung vào những ngày lễ, Tết.
Trên địa bàn các huyện sẽ tổ chức từ 8 - 10 phiên chợ Việt. Mỗi huyện tổ chức 1 phiên chợ Việt, tập trung thực hiện tại những xã miền núi, xã vùng xa trung tâm huyện - nơi có hệ thống giao thông, hạ tầng thương mại chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân và khu công nghiệp có khu nhà ở tập trung, đông người lao động sinh sống, làm việc.
Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của Hà Nội đẩy mạnh sản xuất, tạo dựng uy tín, quảng bá thương hiệu và hiểu rõ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh...