Nhiều doanh nghiệp (DN) đã có hợp đồng xuất khẩu ngay sau Tết. Bên cạnh các thị trường truyền thống, năm nay, các DN cũng đã mở rộng, tiếp cận các thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường.Náo nức không khí ra quânSáng 26/2 (tức mùng 8 Tết Ất Mùi), cán bộ và công nhân của Tổng công ty May 10 đã sôi nổi ra quân đầu năm, gấp rút sản xuất các lô hàng veston và sơ mi xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Mỹ và EU…
Năm qua là một năm khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ lãnh đạo và nhân viên, Tổng công ty đã giữ mức tăng trưởng ấn tượng.
May hàng xuất khẩu tại Xí nghiệp May 2 thuộc Tổng công ty May 10. Ảnh: Trần Việt-TTXVN |
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, năm 2014, Tổng công ty tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 17,6%, tổng doanh thu đạt 2.188 tỷ đồng (năm 2013 là 1.800 tỷ đồng); nộp ngân sách 44,6 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2013.
Trong năm 2014, May 10 đã đầu tư 148,8 tỷ đồng cho những dòng sản phẩm mới, đầu tư mới nhiều thiết bị hiện đại tự động hóa cao như các dây chuyền treo, máy chuyên dùng... để nâng cao năng suất lao động.
Cùng với các DN ngành dệt may, các DN ngành chế biến thủy sản cũng đã náo nức ra quân. Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc kinh doanh Công ty thủy sản Minh Phú (Hậu Giang) cho biết, hiện xuất khẩu mực, bạch tuộc và các mặt hàng hải sản khác như cua ghẹ, surimi, cá biển đều tăng.
Năm 2014, ngành thủy sản có tốc độ tăng trưởng cao nhất và liên tiếp trong vòng 3 năm trở lại đây. Hòa vào sự phát triển chung, DN đã có bước thâm nhập thành công vào thị trường Nga và hiện đạt tốc độ tăng trưởng tốt.
Ngay trong ngày sản xuất đầu năm (mùng 6 Tết), tất cả các dây chuyền của Công ty Nhất Nam, chuyên chế biến gỗ (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai) đã đi vào hoạt động với hơn 90% công nhân đến nhà máy làm việc. Ông Phan Văn Bình, Tổng Giám đốc công ty cho biết, những tháng đầu năm 2015, các DN ngành gỗ đều có hợp đồng sản xuất đến giữa quý 2.
Hiện Công ty đang tích cực sản xuất đơn hàng xuất sang Mỹ vào đầu tháng 3 tới. “Công ty đã có hợp đồng sản xuất ổn định đến tháng 5. Hàng của Nhất Nam chủ yếu xuất sang Mỹ và Nhật Bản”, ông Bình cho hay.
Còn tại Công ty TNHH hàng công nghiệp Việt Thanh (Biên Hòa, Đồng Nai), chuyên sản xuất các loại bao bì cho DN làm hàng xuất khẩu, đại diện DN cho biết, mặc dù đã chọn mùng 7 Tết để làm việc trở lại nhưng mới mùng 5 khách đã gọi đặt hàng nên một số bộ phận đã phải làm việc trước từ mùng 6 Tết.
Chủ động trước xu thế hội nhậpĐiều đáng mừng là ngay từ ngày ra quân đầu năm, nhiều DN đã có những đơn hàng xuất khẩu đến nửa năm 2015, thậm chí hết năm.
Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc May 10 cho biết, công ty cơ bản đã có đủ đơn hàng cho cả năm 2015. “Dự kiến tăng trưởng năm nay đạt 10 - 15%, trong đó doanh thu từ kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 55%”, ông Việt cho hay.
Để đa dạng hóa thị trường, bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật, May 10 chọn phương châm không quá phụ thuộc vào một thị trường để tránh rủi ro. May 10 đã tìm kiếm các thị trường mới, chẳng hạn thị trường Hàn Quốc năm 2014, xuất khẩu đã tăng gần gấp đôi so với năm 2013. Để làm được điều này, Tổng công ty đã tận dụng những lợi ích mà các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc mang lại.
Nhìn rộng ra cả ngành dệt may, có thể nói, triển vọng tăng trưởng kim ngạch của ngành dệt may năm 2015 rất khả quan. Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, kết thúc tháng 1/2015, kim ngạch xuất khẩu của ngành ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Có được thành công này, bên cạnh hiệu ứng từ việc đàm phán các FTA, TPP... thì không thể không nhắc tới nỗ lực vượt khó của các DN trong việc tích cực tìm kiếm thị trường mới cho cả đầu vào và đầu ra nhằm mở ra cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu. Sản phẩm của ngành đã có chỗ đứng không chỉ trên những thị trường truyền thống mà còn mở rộng sang các thị trường mới như Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực châu Phi, Trung Đông...
Tương tự ngành dệt may, da giày cũng có những khởi đầu ấn tượng. Tính riêng tháng 1/2015, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt hơn 1 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Tận dụng tốt cơ hội thuận lợi trong xuất khẩu được mở ra từ các hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc và đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, ngành đã mạnh dạn đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 13,5 - 14 tỷ USD trong cả năm.
Theo các DN, triển vọng của ngành rất sáng sủa bởi những đơn hàng với các hãng giày lớn còn hiệu lực và có xu hướng tăng thêm đơn đặt hàng.
Hoàng Dương - Lê Nghĩa