Cạnh tranh gắt gao cùng những chính sách hạn chế tiêu thụ rượu bia khiến các doanh nghiệp ngành nước giải khát than khó. |
Tại buổi toạ đàm về thị trường đồ uống Việt Nam năm 2017 và dự báo xu hướng 2018 diễn ra sáng 22/11 tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia – rượu – nước giải khát Việt Nam, cho biết trong 8 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ tồn kho ngành đồ uống tăng cao, tăng 62% so với năm 2016, nên nhiều khả năng chỉ tiêu phát triển toàn ngành năm 2017 sẽ sụt giảm.
“Khi các hiệp định song phương, đa phương có hiệu lực thì sự cạnh tranh càng gay gắt hơn do hàng hoá nhập khẩu có mức thuế nhập khẩu giảm, giá bán sẽ thấp hơn; trong khi các doanh nghiệp trong nước chịu thuế cao hơn sẽ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, từ đó sẽ có doanh nghiệp làm ăn sa sút, nhà nước lại thất thu thuế”, ông Việt nói.
Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, trong năm 2016, toàn ngành bia – rượu – nước giải khát nộp ngân sách hơn 48.000 tỷ đồng, trong đó riêng ngành bia đã chiếm hơn 45.000 tỷ đồng.
Theo ông Shivam Misra, Chủ tịch uỷ ban rượu và đồ uống có cồn của Eurocham, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong ngành công nghiệp đồ uống và thị trường Việt Nam có rất nhiều tiềm năng đối với doanh nghiệp châu Âu, thế nhưng khung thuế hiện nay quá cao gây trở ngại cho các doanh nghiệp. “Chúng tôi hy vọng nhà nước có những chính sách mới “dễ thở” hơn với ngành này”, ông Shivam Misra cho biết.
Theo đó, Hiệp hội bia – rượu – nước giải khát Việt Nam cho rằng, có nhiều dự thảo nghị định, luật ra đời nhằm giảm thiểu lượng tiêu thụ bia, rượu… tuy nhiên việc xây dựng chính sách cần mang tính ổn định lâu dài (ít nhất trong 10 năm) và mỗi chính sách trước khi đưa ra thực tế cần đánh giá tác động, tránh ảnh hưởng lên doanh nghiệp; đồng thời các dự thảo chính sách mới nên tập trung tháo gỡ khó khăn và cần có sự linh hoạt, tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp.