Lễ trao Quyết định chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Thành công từ chủ trương XHH đầu tư mạng lưới cấp nước sạch
Ông Đỗ Văn Định, Giám đốc dự án, đại diện Công ty Cổ phần nước Aqua One, đã chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư các dự án nước sạch từ khu vực kinh tế tư nhân.
Theo ông Đỗ Văn Định, với quy mô dân số gần 10 triệu người, cũng như nhiều siêu đô thị khác trên thế giới, Thủ đô Hà Nội phải đối mặt với thách thức trong việcđảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng nước sạch cho người dân Thủ đô, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng tăng.
Ông Đỗ Văn Định, Giám đốc dự án, đại diện Công ty CP Nước Aqua One trình bày tham luận tại Hội nghị. |
Ý thức được vấn đề này, với kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực cấp nước sạch, các cổ đông chính Aqua One, Hawacom…đã thành lập Công ty CP Nước mặt sông Đuống, đề xuất đầu tư, xây dựng và phát triển Nhà máy nước mặt sông Đuống cùng các tuyến ống truyền tải, đảm bảo một nguồn nước sạch chất lượng, ổn định theo đúng quy chuẩn Quốc gia, trước mắt cung cấp cho khoảng hơn 3 triệu dân và các đơn vị, nhà máy trên địa bàn 1 xã thuộc 8 quận huyện vùng Đông Bắc, Đông Nam thủ đô Hà Nội cùng các vùng phụ cận khác thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.
Ông Tạ Đức Hoàng, Giám đốc điều hành Tập đoàn nước Aqua One nhận bằng khen vì những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế- xã hội chung của Thủ đô Hà Nội năm 2018. |
Dự án đã được các Sở Ban ngành Thành phố Hà Nội tích cực hỗ trợ từ lúc nghiên cứu lập đề xuất, và vinh dự được Chủ tịch UBND Thành phố trao Quyết định chủ trương đầu tư tại Hội nghị “Hà Nội 2016 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, với quy mô năm 2018 sẽ hoàn thành và cung cấp 150.000 m3/ ngày đêm; dự kiến đến năm 2020 sẽ mở rộng gấp đôi với công suất cấp nước 300.000 m3/ ngày đêm; Giai đoạn 2 định hướng đến năm 2030 sẽ đạt công suất 600.000 m3/ ngày đêm và giai đoạn 3 khi xây dựng hoàn tất, Nhà máy đạt đến tổng công suất 900.000 m3/ ngày đêm.
Ngay sau khi được cấp Chủ trương đầu tư, với sự đồng hành, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính quyền Thành phố, doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai và hoàn tất các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng Nhà máy vào ngày 9/3/2017; tiếp tục hoàn thành toàn bộ công tác thỏa thuận, đền bù và di dời một số công trình hiện hữu, tiếp nhận toàn bộ 61,5ha đất thuộc hai xã Trung Màu và Phù Đổng thuộc địa bàn huyện Gia Lâm trong 6 tháng tiếp theo.
Song song và đồng thời ngay sau đó một loạt công tác phát triển Dự án đã được triển khai đồng bộ. Dự án đã quyết định lựa chọn bản quyền công nghệ có xuất xứ Châu Âu, nhà thầu thực hiện toàn bộ phần công nghệ từ nước ngoài, có kinh nghiệm với các dự án trên thế giới. Cùng với đó, đã đẩy nhanh thiết kế kỹ thuật, lực lượng thiết kế công nghệ nước ngoài được huy động làm việc sát cánh ngay bên cạnh lực lượng thiết kế xây dựng người Việt Nam. Đồng thời đồng loạt triển khai thi công các hạng mục đầu mối, các hạng mục công nghệ. Trong đó các hạng mục đầu mối chủ lực – phần xây dựng đã được chủ đầu tư tập trung xây dựng đảm bảo công suấtcho giai đoạn mở rộng tiếp theo. Đặc biệt, dự án đã tuân thủ theo các chuẩn mực cao nhất về kiểm soát chất lượng áp dụng các quy định VN cho các hạng mục xây dựng và các tiếu chuẩn quốc tế về công nghệ, cơ điện.
“Thách thức lớn nhất và cũng là yêu cầu đối với đội ngũ phát triển Dự án của Công ty CP nước mặt sông Đuống là phải đẩy nhanh tiến độ. Theo kế hoạch nhà máy sẽ được đưa vào vận hành thương mại phân kỳ 1A vào tháng 10/2018. Cho tới thời điểm hiện nay, đã có 75% tổng giá trị khối lượng đã hoàn thành, đã thực hiện các bàn giao giao diện xây dựng với lắp đặt công nghệ, đồng thời triển khai tích cực các công tác chuẩn bị cho chạy thử và vận hành thương mại”, ông Đỗ Văn Định khẳng định.
“Nước sạch đầu ra từ Nhà máy nước mặt sông Đuống đảm bảo tuân theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc gia QC01/2009 BYT (với yêu cầu xét nghiệm 109 chỉ tiêu cơ, hóa, lý, vi sinh), chúng tôi hiểu việc xây dựng một Nhà máy xử lý nước mặt đáp ứng các chỉ tiêu quy định bắt buộc là nghiêm ngặt, việc duy trì chất lượng luôn ổn định sau khi đi vào hoạt động cũng không hề đơn giản, nhưng chủ trương chiến lược của Aqua One và Công ty CP nước mặt sông Đuống là quyết tâm áp dụng việc cung cấp chất lượng nước sạch có thể uống tại vòi theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Dự án hoàn thành sẽ góp phần không nhỏ trong công cuộc hơn 30 năm đổi mới Thủ đô Hà Nội, thông qua hình thức kêu gọi, động viên xã hội hóa đầu tư đóng góp vào quá trình đô thị hoá, xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật, trong đó có vấn đề cung cấp nước sạch cho các khu vực dân cư, đặc biệt cho các trung tâm đô thị và các khu công nghiệp được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô Hà Nội hiện nay”, ông Định cho biết.
Cam kết đối tác chiến lược
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không Vietjet chia sẻ: 6 năm trước, hãng Hàng không Vietjet có trụ sở tại Thủ đô Hà Nội cất cánh bay, mang theo khát vọng đổi thay và hội nhập, kiến tạo một tương lai mới trên không trung, kết nối với thế giới, thúc đẩy kinh tế và du lịch phát triển thông qua sự thuận tiện bằng vận chuyển hàng không – phương tiện hiện đại và an toàn nhất hiện nay.
Hiện hãng đang khai thác 60 tàu bay A320 và A321, thực hiện hơn 5 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển hơn 60 triệu lượt hành khách, với 83 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia và sắp tới là Nhật Bản, Australia...
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không Vietjet (áo dài vàng) tại Hội nghị. |
“Xác định Hà Nội là thị trường trọng điểm, ngay từ những ngày đầu cất cánh chúng tôi đã mở các đường bay đi và đến Hà Nội và được đón nhận nồng nhiệt. Hiện mỗi ngày Vietjet đang khai thác khoảng 180 chuyến bay đi và đến Hà Nội, với 13 đường bay nội địa và 9 đường bay quốc tế tại Nội Bài. Năm 2017 chúng tôi đã vận chuyển 6.480.000 lượt khách đi/đến Hà Nội, trong đó 741.000 lượt khách quốc tế. Vietjet vận chuyển năm 2017 tại Nội Bài 10.259 tấn hàng hóa và kế hoạch năm 2018 là 8.834.000 lượt khách, trong đó 1.180 lượt khách quốc tế góp phần vào thúc đẩy du lịch và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Cộng hưởng cho hoạt động đầu tư du lịch nghỉ dưỡng và Hàng không là những nỗ lực của ngân hàng HDBank. Chúng tôi có mặt tại Hà Nội từ năm 2006 tới nay với tổng cộng 86 chi nhánh và phòng giao dịch, với tổng huy động trên 30,000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay gần 23.000 tỷ đồng cùng Công ty tài chính HDSaison phục vụ hàng triệu khách hàng. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của HDBank đạt từ 30-40%. Chúng tôi sẵn sàng tham gia tài trợ các dự án đầu tư của UBND thành phố đồng thời cung cấp nguồn vốn với các điều kiện ưu đãi, thuận lợi cho Doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.
Tại Hội nghị hôm nay, Vietjet vui mừng được trở thành đối tác chiến lược của UBND thành phố Hà Nội trong lĩnh vực phát triển Hàng không, du lịch và hạ tầng, khoa học kỹ thuật, văn hoá, quy hoạch đô thị, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phố.
Chúng tôi sẵn sàng tham gia các dự án Hà Nội kêu gọi đầu tư. Thay mặt cho hơn 20.000 công nhân viên trong Tập đoàn Sovico, HDBank, Vietjet, chúng tôi cam kết tăng cường vận chuyển hành khách trong nước và quốc tế tới Thủ đô, thúc đẩy du lịch, đầu tư, hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội, quảng bá hình ảnh của thủ đô Hà Nội tại các điểm đến quốc tế của Vietjet. Chúng tôi sẽ tiếp tục mang hết nguồn lực và tâm huyết của mình cùng thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các dự án, các nhiệm vụ được giao phó, đóng góp cho ngân sách, cùng xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, hội nhập, một xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ”, bà Phương Thảo khẳng định.