Cho rằng việc kiểm soát nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng là cần thiết, tuy nhiên, các doanh nghiệp kiến nghị chưa nên áp dụng ngay những quy định như trong dự thảo Thông tư 20 của Bộ Khoa học Công nghệ bởi có thể gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Việc siết chặt nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ theo Thông tư 20 sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Thiếu căn cứSau khi sửa đổi, dự thảo Thông tư 20 của Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) về quy định điều kiện nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng vào Việt Nam có 2 điểm mấu chốt khiến các doanh nghiệp (DN) không đồng tình. Thứ nhất là về thời hạn sử dụng của máy móc. Thứ hai là về giá trị sử dụng của máy móc cũ. Theo các DN, các quy định này đều chưa đủ cơ sở khoa học để kiểm chứng.
Cụ thể, tiêu chí máy móc sử dụng không quá 10 năm mới được nhập khẩu vào Việt Nam sẽ khiến đa số máy móc đã qua sử dụng không có “cửa” vào Việt Nam. Ông Trương Quốc Tuấn, TGĐ Công ty Máy công cụ và thiết bị T.A.T dẫn chứng, máy móc “made in” Thụy Sỹ hay Đức có tuổi thọ 20 năm vẫn chạy tốt và còn có giá trị cao hơn nhiều lần so với máy 7 - 8 năm tuổi của một số nước khác. Vì vậy, quy định tuổi thọ của máy móc đã qua sử dụng không quá 10 năm, không có cơ sở để đánh giá.
Tiếp theo, tiêu chí máy móc phải còn ít nhất 80% giá trị sử dụng mới được phép nhập khẩu còn... mù mờ hơn. Một đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản nhận định, việc xác định dây chuyền có đáp ứng được tỷ lệ 80% hay không rất khó và cần những tiêu chí cụ thể, bởi máy móc ở Việt Nam có nhiều nguồn khác nhau và quy trình thẩm định cũng chưa rõ ràng, có thể khiến các DN hoang mang.
Ông Trương Quốc Tuấn cho biết thêm, nếu áp dụng hai tiêu chí theo đúng dự thảo thông tư này thì chỉ có khoảng... 1% máy móc, thiết bị đang sử dụng đáp ứng được yêu cầu. Còn ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho rằng, năm 2015 phải dồn sức tháo gỡ khó khăn cho DN. Nếu ban hành văn bản này sẽ khiến DN khó khăn hơn.
Theo chia sẻ của ông Bảo, toàn ngành giấy đã nhập 6 dây chuyền cũ, trong đó một chiếc sản xuất năm 1945, 5 chiếc còn lại có tuổi đời hơn 50 năm song đến nay, các dây chuyền này vẫn hoạt động tốt, đảm bảo điều kiện về môi trường, nước thải…
Đặc điệt, quy định giới hạn nhập máy móc không chỉ gây khó khăn cho DN nội mà cho cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đại diện Microsoft Mobile Việt Nam cho biết hãng đã có chính sách chuyển nhà máy từ Hungary, Trung Quốc sang Việt Nam. Các máy móc chủ yếu được sử dụng trên 15 năm và có rất nhiều chi tiết được sản xuất ở các nước khác nhau nên khó kiểm định theo tiêu chí của Thông tư 20. Do đó, thông tư sẽ gây khó cho các DN FDI muốn chuyển máy móc sang để đầu tư tại Việt Nam.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI đánh giá, việc siết quy định nhập khẩu máy móc có thể khiến nhiều nhà đầu tư rời khỏi Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang có cơ hội đón 34 tỷ USD dịch chuyển từ Trung Quốc.
Thay đổi cách kiểm duyệt
Nhu cầu sử dụng máy móc, thiết bị cũ có ở nhiều nước. Đặc biệt, với những nước kém phát triển, chưa sản xuất được máy móc cần thiết cho các ngành công nghiệp, trong khi chi phí mua máy mới lại quá cao thì nhập khẩu máy móc cũ (còn tốt) để sử dụng được coi là giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ biến Việt Nam trở thành “bãi rác công nghệ”, nơi tập trung của máy móc thải loại nước ngoài, việc kiểm định chất lượng máy móc cũ cần được thực kỹ càng. Do đó, việc tìm ra một bộ tiêu chí để kiểm duyệt phù hợp là rất cần thiết.
Còn theo ông Nestor Scherbey, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Thông tư 20 không giúp giảm nhập khẩu “rác” mà thực chất đang cản trở DN phát triển. Vì vậy, nên chăng để thị trường tự điều chỉnh. Đồng tình với quan điểm này, GS Nguyễn Mại, cho rằng, Bộ KHCN không cần thiết phải ban hành Thông tư 20 bởi đã có nhiều quy định cụ thể điều chỉnh việc bảo vệ môi trường, an toàn lao động để Việt Nam không trở thành “bãi rác” của thế giới; dùng hậu kiểm thay tiền kiểm. Nếu DN đưa máy móc cũ vào sử dụng, vi phạm luật về môi trường, chất lượng, an toàn thì tịch thu hoặc tiêu hủy. “Nếu DN vi phạm sẽ bị phạt nặng hoặc đóng cửa. Người ta đưa hàng trăm triệu đôla vào đầu tư nên không dại gì để bị phạt”, ông Mại nói.
Hoàng Dương