Doanh nghiệp “sốc” với giá thuê đất mới

Kể từ ngày 1/3/2011, Nghị định 121/2010/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 142/2005/NĐ -CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước chính thức có hiệu lực. Theo đó, giá tiền thuê đất được xác định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường thay vì được UBND tỉnh, thành phố quyết định và công bố hàng năm. Cách tính mới đã khiến giá tính tiền thuê đất tăng lên rất nhiều lần so với trước đây. Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất cao như hiện nay, các DN kiến nghị các cơ quan quản lý nên có giải pháp gỡ khó cho DN về giá thuê đất và các loại thuế để có điều kiện ổn định sản xuất, kinh doanh.

Theo cách tính giá thuê đất mới, tỷ lệ phần trăm tính tiền thuê đất được tính từ 1,5 – 3% giá đất (thay vì chỉ là 0,5 – 2% như trước đây). Do đó, so với các năm trước, tiền thuê đất năm 2011 sẽ tăng từ 3 - 10 lần, thậm chí có trường hợp tăng đến 15 - 30 lần, nhiều doanh nghiệp (DN) đã bị “sốc” bởi đơn giá thuê đất mới với mức chênh lệch đội lên rất nhiều lần so với năm 2010.

Một góc KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ - Hà Nội) tổng diện tích 170ha, đã thu hút 60 doanh nghiệp, trong đó có 20 nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Ngọc Hà-TTXVN


Đó là ý kiến của đa số đại biểu tại Hội nghị "Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về tình hình thuê đất và các vấn đề liên quan đến thuế" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hôm qua (12/7) tại Hà Nội.

Tăng... chóng mặt

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hạ Long, Quảng Ninh, năm 2011, giá tính tiền thuê đất tăng từ 1,5- 5 lần so với năm 2006. Tỷ lệ phần trăm để xác định đơn giá thuê đất trên địa bàn tỉnh năm 2011 cũng được điều chỉnh từ 0,5% lên 1,5%, tăng gấp 3 lần năm 2006. Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm, chi phí thuê đất tăng từ 4,5 lần đến 15 lần, đây là mức tăng không hợp lý.

Không chỉ các DN ở Quảng Ninh mà nhiều DN ở các tỉnh, thành phố khác trên phạm vi cả nước đều bất ngờ với giá thuê đất áp dụng từ năm 2011.
Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Vạn Xuân, tỉnh Hưng Yên cho biết, chúng tôi ký hợp đồng thuê đất từ 23/7/2007, đến nay chưa hết 5 năm, nhưng Sở Tài chính Hưng Yên đã tăng giá tiền thuê đất từ năm 2011, hơn nữa lại bắt nộp lại tiền thuê đất từ năm 2007 với giá cao hơn, cụ thể hợp đồng ký năm 2007 là 2.100 đồng/m2, nhưng nay bắt nộp tới 63.000 đồng/m2, tăng 30 lần so với trước đây. Như vậy, tiền đất phải nộp đang từ 49 triệu đồng/năm, nay tăng lên 1,5 tỷ đồng nên DN không đủ tiền để bù vào khoản thâm hụt này.

Tương tự, bà Trương Thúy Nga, Công ty TNHH cảng Khuyến Lương cho biết, năm 2005 giá thuê đất của DN là 153 triệu đồng, năm 2008 là 1,045 tỷ đồng, năm 2010 là 1,3 tỷ đồng nhưng đến năm 2011 sẽ là 4,9 tỷ đồng. “Đây là khoản chi phí tăng bất thường mà chúng tôi không thể trả nổi, vì năm 2010 doanh thu của chúng tôi có 47 tỷ đồng, lợi nhuận 530 triệu đồng”, bà Nga nói.

Cân nhắc khó khăn của doanh nghiệp

Hầu hết các DN được hỏi đều cho rằng, tiền thuê đất năm 2011 quá cao, khiến nhiều DN gặp khó khăn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ có lộ trình để áp dụng giá thuê đất mới, hoặc giảm tiền thuê đất cho phù hợp tình hình kinh tế hiện nay.

Giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp về giá thuê đất, ông Phạm Văn Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế và Phát triển quỹ đất (Bộ Tài nguyên –Môi trường) cho rằng, hiện nay chi phí bồi thường GPMB rất cao, Nhà nước phải bồi thường theo giá thị trường với đất phi nông nghiệp, nếu không tăng đơn giá thuê đất lên 1,5 - 2% thì ngân sách nhà nước không có nguồn thu. Đó là lý do phải tăng giá thuê đất.

Nhiều địa phương đã chuyển địa giới hành chính từ cấp xã lên thành phường, quận, thành phố nên phải tính theo giá đất đô thị nên giá thuê đất càng tăng mạnh.

Để tháo gỡ những khó khăn của DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, thời điểm triển khai NĐ 121 tương đối bất lợi vì DN gặp nhiều khó khăn do lạm phát.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết, nếu bây giờ DN Việt Nam chịu thuế theo NĐ 121 thì sẽ bị thuế đất cao hơn của các DN nước ngoài, đánh mất lợi thế của DN Việt Nam. Do vậy cần nhìn nhận thực tế để thấy được vấn đề này.

Nhằm giảm bớt khó khăn cho các DN trong việc thuê đất và các chi phí đầu vào, Thứ trưởng Tuấn cho biết: “Sắp tới, chúng tôi cũng đề nghị QH, Chính phủ giảm thuế cho các DN như: Giảm 5% thuế giá trị gia tăng, thuế đất và các loại thuế khác”.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của các DN để có những kiến nghị gửi lên Chính phủ, các tỉnh, thành phố để tháo gỡ dần dần những khó khăn cho DN.

>>Ý KIẾN:

Ông Tô Ngọc Thạch – Tổng giám đốc Công ty TNHH thiết bị Hồng An - Hải Phòng: Bất bình đẳng trong việc thuê đất

Khi nhận được thông báo nộp tiền thuê đất, tôi rất ngạc nhiên khi số tiền phải phải nộp năm 2011 cao gấp 18 lần so với năm trước. Trong khi đó, DN cáp điện liên doanh với Hàn Quốc, cùng nằm trên trục đường dẫn Nam cầu Bính (Hải Phòng) với DN của tôi nhưng số tiền họ phải nộp chỉ 1,6 USD/m2/năm và kéo dài trong vòng 50 năm.

Theo tính toán của tôi, nếu so với tiền thuê đất năm 2011, thì chúng tôi phải nộp tiền thuê đất cao hơn 215% so với DN liên doanh. Bên cạnh đó, Nghị định 121/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2011, nhưng ngành thuế Hải Phòng lại tính từ 1/1/2011. Khi có thắc mắc thì được cơ quan thuế giải thích “đây mới chỉ là tạm tính, cứ nộp rồi giải quyết sau”. Tôi đã làm công văn gửi các cơ quan thành phố, nhưng chỉ có chi cục thuế quận trả lời “bắt buộc DN phải nộp, nộp chậm sẽ bị phạt”…

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với chính sách tăng tiền thuê đất của ngành thuế, nhưng việc tăng phải có lộ trình, phù hợp với tình hình kinh tế chung của đất nước và phải bình đẳng giữa các DN với nhau.

Ông Trịnh Xuân Long – Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Tiên Sơn, Thanh Hóa: Chưa phân loại
đối tượng thuê

Công ty Tiên Sơn làm hàng thủ công mỹ nghệ và may mặc có gần 4.000 lao động và 6 nhà máy. Giá thuê đất tăng thế này là quá “nóng”, đặc biệt trong năm nay, DN gặp rất nhiều khó khăn. Các cơ quan chức năng giải thích cho chúng tôi rằng, giá thuê đất năm nay điều chỉnh lại lấy trên cơ sở giá thị trường, nhưng đã rẻ hơn thị trường rồi. Chúng tôi cho rằng việc áp giá thuê mới nên có lộ trình để doanh nghiệp thích nghi và cũng cần có những ưu tiên đối với DN tạo nhiều việc làm cho người lao động.



Minh Phương - Hữu Vinh thực hiện

Chia sẻ khó khăn về thuế của doanh nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Bộ Tài chính trình các phương án miễn giảm thuế đối với khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương và các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN lên Quốc hội vào kỳ họp tháng 7 để thông qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN