Hàng tháng vẫn duy trì lãi
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực “đóng băng” từ lâu, anh Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel cho biết, công ty không hoạt động thời gian dài do ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng lãi ngân hàng vẫn phải đóng hàng tháng, dù không có nguồn thu.
Theo anh Phạm Quý Huy, dù đã liên lạc với ngân hàng cho vay sau khi nhận được thông tin ngân hàng sẽ giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu, song đã vài tuần trôi qua công ty vẫn chưa nhận được phản hồi của ngân hàng. Trong khi đó, công ty lại mới nhận được văn bản của cơ quan thuế yêu cầu kê khai đóng thuế GTGT quý II năm nay.
Thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ, như gói 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, anh Phạm Quy Huy cho biết, do gói hỗ trợ có quá nhiều tiêu chí nên doanh nghiệp du lịch không đáp ứng được. Mặt khác, một số ngân hàng cũng thông báo giảm lãi cho doanh nghiệp từ 1 - 1,5%/năm, nhưng đến nay vẫn chưa thấy áp dụng.
Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn lúc này Chính phủ cần có giải pháp hay những gói hỗ trợ thực tế hơn. "Ví dụ, có thể triển khai gói hỗ trợ giảm lãi suất với thủ tục đơn giản hơn, doanh nghiệp có thế chấp bằng tài sản bảo đảm với lãi suất cực thấp từ 3-4%/năm, thời gian vay trong 2-3 năm", anh Phạm Quy Huy nói.
"Gói này có thể giao cho một vài ngân hàng thương mại triển khai, ưu tiên cho doanh nghiệp lữ hành, khách sạn nhằm giúp họ duy trì hoạt động, góp phần giải cứu ngành du lịch. Về điều kiện, có thể yêu cầu doanh nghiệp được vay vốn chuyển dòng tiền hoạt động về tài khoản ngân hàng cho vay. Như vậy, ngân hàng sẽ nắm rõ năng lực tài chính, việc sử dụng vốn vay có đúng mục đích, tiêu chí… Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần giảm thuế suất, thuế GTGT về 5%; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 6 tháng đến 1 năm…", anh Phạm Quý Huy kiến nghị.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc công ty TNHH xây dựng Minh Tuấn cho biết, mới đây công ty được 2 ngân hàng thông báo giảm lãi cho vay từ 1 - 1,5%, áp dụng từ đầu tháng 7. Tuy nhiên, theo anh Tuấn, việc giảm lãi vay này không hỗ trợ nhiều doanh nghiệp khi 3 tháng nay doanh nghiệp gần như không hoạt động, không có nguồn thu và vẫn hàng tháng trả lãi ngân hàng, vẫn phải trả lương để giữ chân nhân viên.
“Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp có thể cần đến cả năm để phục hồi sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, để các gói hỗ trợ đi vào thực chất, tôi mong nhà nước miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp ít nhất 1 quý, kể từ khi doanh nghiệp hoạt động trở lại bên cạnh việc miễn, giảm các loại thuế, phí trong giai đoạn giãn cách xã hội như hiện nay. Đối với ngân hàng, có thể giảm sâu lãi suất hơn từ 3-5%, như vậy doanh nghiệp mới thấy được sự hỗ trợ thực chất từ ngân hàng, từ đó có đà khôi phục hoạt động sau khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông Nguyễn Quang Tuấn nói.
Theo Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào của ngành lương thực thực phẩm tăng từ 10 - 30% khiến chi phí sản xuất tăng vọt, trong khi sức mua thị trường yếu, không thể điều chỉnh giá đầu ra. Vừa qua, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được hưởng các gói hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ (nhất là gói hỗ trợ miễn, giảm lãi vay, cho vay) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều doanh nghiệp làm ăn uy tín, có các sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực của thành phố lại không được hỗ trợ giảm lãi suất mà còn bị ngân hàng tính tăng lãi suất cho vay.
Vì vậy, các doanh nghiệp rất mong các ngân hàng bổ sung doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm vào đối tượng được hỗ trợ miễn, giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay... để doanh nghiệp kịp thời bổ sung nguồn vốn tái sản xuất trong mùa dịch.
Không bàn giải pháp mà cần hỗ trợ ngay
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C cho biết, công ty vừa được 2 ngân hàng cho vay là VietinBank và BIDV thông báo giảm lãi vay lần lượt 0,5 và 0,7%/năm. Như vậy, khoản tiền đóng lãi hằng tháng của doanh nghiệp giảm gần 30 triệu đồng, số tiền này rất có ý nghĩa trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang thực hiện mô hình "3 tại chỗ" với nhiều chi phí phát sinh song công suất sản xuất chỉ đạt 50% so với bình thường. Chưa kể, chi phí vận chuyển cũng đội lên đáng kể trong bối cảnh giãn cách nhưng giá bán vẫn như cũ nên doanh nghiệp không có lãi.
"Chúng tôi cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ như: giảm tiền điện sản xuất, hoãn nộp thuế GTGT từ 6-12 tháng để có dòng tiền làm vốn lưu động. Bởi thực tế hiện nay, công nợ kéo dài hơn trước rất nhiều đang khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc xoay vòng vốn kinh doanh", ông Nguyễn Văn Thứ cho biết thêm.
Liên quan đến các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, gần đây số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao kỷ lục so với số doanh nghiệp thành lập mới. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn các gói hỗ trợ cần đi vào thực chất hơn để giúp vượt doanh nghiệp qua đại dịch. Vừa qua, có một số ngành công nghiệp trọng yếu đã nhanh chóng kết nối nguồn nguyên liệu, điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn đang gặp áp lực lớn về vốn và giá nguyên liệu.
“Hiện nay, các doanh nghiệp rất khó khăn, chúng ta không còn nhiều thời gian bàn giải pháp mà phải có giải pháp thực thi ngay và đi vào thực tế để giúp doanh nghiệp. Các đối tượng thụ hưởng chính sách mới cần được xem xét công bằng hơn, các gói hỗ trợ cũng phải tiếp cận theo hướng công bằng và tiêu chí dễ dàng, như thế mới thực sự thiết thực cho doanh nghiệp”, ông Chu Tiến Dũng nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, sắp tới ngành ngân hàng sẽ ngồi lại với các hiệp hội, hội ngành nghề để bàn cách tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp cụ thể. Ngành ngân hàng cũng sẽ kiến nghị cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn chi trả lương và BHXH. Hiện nay, ngân hàng đang xem xét miễn giảm tiền vay cho doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch. Hiện mức lãi vay ưu tiên đối với doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ là 4,5%, thấp nhất trong khu vực ASEAN, tương đương lãi vay ngoại tệ.
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, trong chương trình Livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” số đặc biệt tối 6/9, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, khi giãn cách xã hội kéo dài, doanh nghiệp đều mong muốn được hỗ trợ về vốn, chính sách về thuế, lãi suất... TP Hồ Chí Minh rất chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và đang tìm mọi cách để doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp cận được các gói hỗ trợ từ Chính phủ, nhà nước và Thành phố nhanh nhất.
Đối với vấn đề về vốn, ông Phan Văn Mãi cũng cho biết, vừa qua TP Hồ Chí Minh đã có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước về khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay và có cuộc đối thoại thường xuyên giữa ngân hàng với hiệp hội doanh nghiệp để biết khó khăn, lắng nghe đề xuất từ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó, ngân hàng có thể có quyết định khoanh nợ, giãn nợ, cho doanh nghiệp vay gói mới để có thể phục hồi, tiếp tục kinh doanh. Ngoài ra, Thành phố cũng có các chương trình hỗ trợ lãi suất như vay kích cầu và đang khởi động các quỹ, các chương trình để hỗ trợ khó khăn về nguồn vốn.