Những ngày cuối năm, cũng là lúc nguy cơ về tình trạng sử dụng bản quyền phần mềm gia tăng. Cũng như mọi năm, đây là thời điểm các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh tay với những cuộc thanh tra, kiểm tra.Tuy nhiên, năm nay có một cách làm mới đã được Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP Hồ Chí Minh triển khai: Tuyên truyền “mặt đối mặt” với từng doanh nghiệp về việc đẩy mạnh thực thi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) và củng cố an ninh mạng, qua đó góp phần giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những nguy cơ tấn công an ninh mạng, cũng như định hướng việc sử dụng phần mềm có bản quyền.
Ông Nguyễn Mạnh Quý làm việc với đại diện Công ty TNHH Intertek Việt Nam. |
Ba doanh nghiệp đầu tiên tham gia chương trình tuyên truyền này gồm: Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty CP Hàng không Vietjet và Công ty TNHH Intertek Việt Nam (TP Hồ Chí Minh). Đích thân ông Nguyễn Mạnh Quý - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP Hồ Chí Minh đã làm việc với đại diện các doanh nghiệp này. Và điều đáng mừng là sau buổi làm việc, các doanh nghiệp đều đã có những “vỡ vạc” nhiều hơn về ý nghĩa của việc sử dụng bản quyền phần mềm.
Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ: “Nhờ được tuyên truyền, tiếp cận với những thông tin của cơ quan chức năng, doanh nghiệp của tôi đã hiểu rõ hơn về tác hại của việc sử dụng bản quyền phần mềm, không chỉ vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, vi phạm các công ước quốc tế; mà bản thân doanh nghiệp khi sử dụng phần mềm không bản quyền còn phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công an ninh mạng, dẫn tới những thiệt hại khôn lường. Đặc biệt như giờ đây, đã có mức xử phạt mạnh tay hơn với những doanh nghiệp sử dụng phần mềm không bản quyền, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ ra tòa… thì các doanh nghiệp cũng đã phải có cái nhìn khác với việc sử dụng phần mềm có bản quyền”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quý - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP Hồ Chí Minh, với sự thâm nhập sâu rộng của CNTT, sự phát triển vượt bậc của công nghệ mạng và Internet cùng các website thông tin trực tuyến trong các lĩnh vực của cuộc sống, người dân đã được hưởng nhiều tiện ích hơn.
Tuy nhiên, cùng với đó không ít những thách thức về an ninh bảo mật được đặt ra. “Tình hình mất an ninh mạng đang diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa đến việc phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nguy cơ an ninh mạng và bảo mật an toàn thông tin (ATTT) tại các doanh nghiệp trên thị trường đang ở mức báo động khi tình trạng bị hacker, virus, malware tấn công khiến dữ liệu bị xóa, thông tin bị đánh cắp, bị theo dõi, mất quyền bảo hành, lây truyền virus sang máy tính khác… liên tục gia tăng không ngừng, gây ra hậu quả và thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế, uy tín cho doanh nghiệp về lâu dài. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân chính gây ra các nguy cơ ngày càng tăng này là do việc sử dụng và tải phần mềm không bản quyền về máy tính”.
Điều này đã được chứng minh bằng thực tế: An ninh mạng tại Việt Nam đang trở thành đề tài nóng sau hàng loạt các cuộc tấn công rầm rộ vào các website tại Việt Nam kể từ cuối tháng 8 đến tháng 10 vừa qua. Thiệt hại về tài chính có thể thống kê được lên tới hàng chục tỷ đồng, nhưng những thiệt hại vô hình thì lớn hơn rất nhiều, đó là sự mất uy tín, mất lòng tin của đối tác, khách hàng vào hạ tầng CNTT của các doanh nghiệp, và lo ngại của khách hàng về việc thông tin cá nhân hay thông tin nhạy cảm có thể bị đánh cắp.
Một ví dụ minh họa là cuộc tấn công được cho là có chủ đích, quy mô lớn và số lượng tấn công rất chuyên nghiệp nhằm vào một loạt các website lớn sử dụng trung tâm dữ liệu của Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp) trong 5 ngày từ 13-18/10/2014 vừa qua đã gây thiệt hại lên đến 20-30 tỷ đồng cho bản thân VCCorp và các doanh nghiệp đối tác.
“Theo báo cáo từ hãng nghiên cứu thị trường IDC kết hợp với Đại học Quốc gia Singapore công bố ngày 30/5/2014 tại Hà Nội, khối doanh nghiệp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương ước tính thiệt hại gần 230 tỉ USD chỉ trong 4 tháng đầu năm 2014 do không sử dụng phần mềm bản quyền. Trong đó, hơn 59 tỉ USD dùng để xử lý các vấn đề an ninh mạng và 170 tỉ USD dùng để khắc phục tình trạng ăn cắp dữ liệu do mã độc gây ra.
Cũng theo báo cáo, khối chính phủ tại khu vực ước tính mất khoảng 50 tỉ USD để xử lý các vấn đề mã độc nằm trong các phần mềm lậu. Ngoài ra, phân tích 203 máy tính được mua mới có cài sẵn phần mềm không bản quyền, phát hiện 61% máy tính bị nhiễm phần mềm độc hại, bao gồm các mã độc trojan, sâu máy tính, virus…”, một chuyên gia trong lĩnh vực bản quyền phần mềm cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, theo thống kê, có tới 90% phần mềm không bản quyền chứa sẵn virus và mã độc (malware), một môi trường lý tưởng cho tin tặc xâm nhập vào hệ thống thông tin. Các doanh nghiệp sử dụng phần mềm không bản quyền sẽ có nguy cơ mất 73% dữ liệu quan trọng, 55% sẽ không thể hồi phục được tất cả dữ liệu khi hệ thống chủ bị hỏng cũng như khả năng lây nhiễm virus cho đối tác, khách hàng vô cùng cao. “Do đó, có thể nói, phần mềm không bản quyền được xác định là một nguyên nhân nghiêm trọng dẫn đến tình trạng tấn công an ninh mạng, làm sai lệch dữ liệu và thất thoát những thông tin quan trọng của các doanh nghiệp”.
Thực tế thì như vậy, nhưng dường như nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất bàng quan với hiện trạng ATTT và còn mang nặng tâm lý chuyện bị tấn công là xảy ra với người khác, không phải với mình. “Hãy kiểm tra việc sử dụng phần mềm của bạn xem liệu đã mua bản quyền hay chưa ngay trong hôm nay. Các giải pháp đám mây sẽ mang đến độ an toàn cao hơn vì các nhà sản xuất đầu tư rất nhiều vào việc đảm bảo bảo mật, an ninh của sản phẩm. Đừng để phải tiếc nuối khi đã quá muộn”, ông Nguyễn Mạnh Quý cảnh báo.
Bài và ảnh: Anh Minh