Đợt thanh tra lớn vừa qua của đoàn thanh tra liên ngành tại 14 doanh nghiệp trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước đã phát hiện số lượng bản quyền phần mềm bị vi phạm trị giá lên tới hơn 15 tỷ đồng.
Thông tin trên đã được đại diện đoàn thanh tra, ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức ngày 27/10.
Trong đợt thanh tra lớn này, đoàn thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT &DL), Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm Công nghệ cao (C50), Tổng cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm, Bộ Công an phối hợp thực hiện; đã tiến hành thanh tra 16 doanh nghiệp tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bắc Ninh. Trong số này, chỉ có vỏn vẹn 2 doanh nghiệp là “trong sạch”, 14 doanh nghiệp còn lại đều “dính” vi phạm; mà hầu hết là các doanh nghiệp (DN) nước ngoài: 4 DN Hàn Quốc, 3 DN Đài Loan (Trung Quốc), 2 DN Mỹ, 2 DN Nhật Bản, 1 DN Australia, 1 DN Thụy Sĩ và 1 DN Việt Nam.
“14 doanh nghiệp trên đã bị phát hiện là có dấu hiệu sử dụng bất hợp pháp nhiều phần mềm không có bản quyền trong đợt thanh tra. Cụ thể, Đoàn đã kiểm tra gần 400 máy tính và phát hiện 1251 phần mềm các loại bị cài đặt trái phép. Các phần mềm vi phạm chủ yếu được tìm thấy là các ứng dụng phần mềm văn phòng phổ biến của Adobe Systems, Autodesk, Lạc Việt, Microsoft và Symantec. Tổng giá trị phần mềm bị vi phạm ước tính là hơn 15 tỷ đồng (705.000 USD)”, đại diện đoàn thanh tra cho biết,
Cũng theo đại diện này, một trong những DN vi phạm nghiêm trọng nhất là Công ty TNHH Giấy Chánh Dương của Đài Loan (Trung Quốc), có trụ sở tại lô B-2-CN, đường D15, KCN Mỹ Phước, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương; với tổng giá trị phần mềm bị sử dụng trái phép lên đến hơn 1 tỷ đồng (tương đương với 48.212 USD). Công ty này còn bất hợp tác, ngoan cố không chịu trách nhiệm đối với việc làm sai trái của mình.
“Đợt kiểm tra lần này một lần nữa cho thấy chính phủ Việt Nam tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo chỉ thị số 36/2008/CT-TTg ngày 31/12/2008, sẽ không loại trừ bất kỳ một doanh nghiệp nào, kế cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khi họ không tuân thủ nghiêm túc Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam”, ông Trần Văn Minh nhấn mạnh.
Như báo Tin Tức đã đưa, kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, ước tính chi phí mua phần mềm máy tính có bản quyền chỉ chiếm 5 - 6% chi phí hoạt động của các doanh nghiệp; trong khi chi phí rủi ro dành cho việc sử dụng phần mềm không có bản quyền sẽ là con số lớn hơn rất nhiều khi doanh nghiệp phải đương đầu với nguy cơ mất dữ liệu do phần mềm bị nhiễm virus hay bị kiện tụng, bị phạt khi bị các cơ quan quản lý kiểm tra. “Cuối năm 2013, việc lần đầu tiên một doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) hoạt động tại Việt Nam phải ra hầu tòa vì sử dụng phần mềm không có bản quyền là bài học đắt giá cho nhiều doanh nghiệp trong việc tuân thủ luật Sở hữu trí tuệ”, ông Trần Văn Minh nhấn mạnh.
A.M