Doanh nghiệp Việt phải hướng đến tính sáng tạo

Trước sức ép hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam nên chọn mô hình phát triển nào? PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển DN trao đổi với phóng viên Tin Tức về câu chuyện tăng tính cạnh tranh cho DN Việt Nam.


Theo ông, DN Việt Nam nên chọn phát triển theo mô hình chú trọng hiệu quả sản xuất như Trung Quốc (để cạnh tranh về giá) hay đầu tư cho sản phẩm hàng hóa công nghệ cao, giàu tính sáng tạo như Hàn Quốc, Nhật Bản (để cạnh tranh về chất lượng)?

TS Nguyễn Mạnh Quân

TS Nguyễn Mạnh Quân: Việt Nam đang ở ngã ba đường. Đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam chọn lựa một con đường. Nói về chính sách, ở tầm vĩ mô thì phải lựa chọn con đường phát triển cao, theo đuổi tính sáng tạo cho sản phẩm. Tuy nhiên, tùy theo từng trường hợp để phát triển.

Không phải cả 500.000 DN của Việt Nam cùng phát triển theo đường này mà phải có một vài nhóm DN có sức thì vươn lên. Một số DN có điều kiện cần được tạo thuận lợi để chuyển sang lĩnh vực sáng tạo, từ đó tạo sức hút kéo các DN khác. Cần phải có những DN có khả năng nhảy vọt, bỏ qua các DN Trung Quốc để chơi với DN Nhật Bản.

Còn DN nào đang hoạt động cầm chừng thì phải làm sao để tồn tại, có thể khai thác tài nguyên tại chỗ. Tuy nhiên, cũng đừng hài lòng với mục tiêu hiệu quả bởi như vậy sẽ luôn phụ thuộc nguyên liệu giá rẻ Trung Quốc, mua về gia công, tìm lợi nhuận rồi lấy đó làm thành tích. Phải nghĩ ta đã đạt mục tiêu hiệu quả rồi thì phải tiến thêm bước nữa.

Để làm được điều này, DN cần tham gia được vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. Những khái niệm “mạng lưới công nghiệp toàn cầu”, “giải pháp phát triển cộng đồng DN” là những sáng kiến rất mới đang được triển khai tại ASEAN. Người ta liên kết các DN nhỏ lại thành chuỗi các mắt xích. Nếu DN Việt tham gia được vào chuỗi đó thì sẽ được hỗ trợ tối đa bởi các mắt xích còn lại sẽ không thể hoạt động tốt nếu có một mắt xích trục trặc.

Một nguyên tắc mà DN cần nhớ: một công ty khi phát triển sang thị trường mới luôn tìm đối tác tại chính quốc gia đó để hợp tác. Chắc chắn khi Việt Nam mở cửa, sẽ có nhiều DN ngoại muốn hợp tác với chúng ta, nếu chúng ta không làm được theo yêu cầu của họ thì họ mới phải tự làm.

Hàng Việt Nam tìm thị trường tại các hội chợ xuất khẩu.


* Các DN nhỏ lẻ, sản xuất hàng gia dụng, tiêu dùng trong nước sẽ là đối thủ chính của hàng Trung Quốc giá rẻ. Các DN này cần làm gì, thưa ông?


TS Nguyễn Mạnh Quân: Về ngắn hạn, có thể điều chỉnh giá bán, tổ chức hoạt động tiêu thụ, bán hàng sao cho tiết kiệm nhất để giảm các khoản chi phí, giảm lãng phí về nguồn lực. Người Nhật tính toán 80-90% các hoạt động sản xuất của DN Việt Nam có lãng phí. Chỉ cần tiết kiệm khoản lãng phí đó thôi là đã giảm được giá và có thêm tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Còn về lâu dài, các DN cần tăng năng suất, áp dụng phương pháp quản lý tiên tiến (5S) của Nhật Bản để chống 7 loại lãng phí, bao gồm: sản xuất dư thừa, thời gian chờ đợi, vận chuyển hàng hóa không hợp lý, hàng tồn kho, quy trình sản xuất, việc di chuyển trong công việc và sản phẩm hư hại.

DN cần định hướng các sản phẩm sáng tạo. Khi đó, hàng giá thấp, chất lượng thấp của Trung Quốc sẽ khó cạnh tranh với hàng chất lượng cao của Việt Nam. Hàng Việt đắt hơn nhưng sáng tạo hơn, chất lượng tốt hơn thì không lo không cạnh tranh được.

* Xin cảm ơn ông!
Hoàng Dương
Nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt-Nhật
Nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt-Nhật

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản hiện đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay, theo khuôn khổ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN