Để những hỗ trợ ấy đáp ứng đúng và trúng yêu cầu thực tiễn phát triển của doanh nghiệp, Phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến từ nhiều doanh nghiệp dưới đây:
Ông Nguyễn Thu Phong, Chủ tịch HĐQT, Công ty Nhà Vui: Cần hiểu rõ doanh nghiệp
Tôi cho rằng mỗi loại hình doanh nghiệp đều đòi hỏi sự hỗ trợ chuyên sâu, phải hiểu rõ doanh nghiệp đó cần gì, chứ không nên hỗ trợ theo kiểu đổ đồng. Để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thì trước nhất cần kiên quyết loại trừ những doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh kém hiệu quả.
Nếu Chính phủ không quyết liệt, các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục ôm mảng kinh doanh của họ, gây cản trở cho nhiều doanh nghiệp khác. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân khó có thể lớn mạnh và làm mất niềm tin vào các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công và các chương trình trọng điểm quốc gia.
Theo tôi, từ nay cần thay đổi cách tiếp cận và tư duy phát triển như tổ chức đối thoại, phản biện; tạo nên sự song hành giữa chính quyền với doanh nghiệp trong việc đổi mới và phát triển môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện các chương trình đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, và tạo điều kiện khởi nghiệp cho các doanh nghiệp trẻ. Công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần được tăng cường hiệu quả và theo hướng chuyên nghiệp hóa nhiều hơn.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa: Doanh nghiệp không sợ khó, không sợ khổ
Với tôi thì môi trường kinh doanh không chỉ cần sự thuận lợi, minh bạch mà đòi hỏi phải có sự công bằng và những người thực thi cần sự công tâm, liêm chính.
Thực tế, nhiều nơi, chỉ những doanh nghiêp lớn mới được quan tâm, ưu ái đặc biệt. Nhiều công trình sử dụng sai ngân sách cho cả công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều công trình làm sai nguyên tắc đấu thầu khi chỉ định thầu dẫn tới làm méo mó thị trường… Trong khi đó, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thường là yếu thế và không có cửa vào được.
Khi pháp luật được tuân thủ và thực thi một cách công bằng và nghiêm minh, thì mọi doanh nghiệp đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Doanh nghiệp không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ không công bằng.
Ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: Hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo
Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, theo tôi rất cần những nguồn quỹ để đổi mới sáng tạo của quốc gia, cũng như những nguồn quỹ ODA của nước ngoài thời gian qua nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trẻ. Trên thực tế, việc tài trợ và chính sách hỗ trợ từng đã được triển khai nhưng chưa nhiều, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp.
Đối với những doanh nghiệp trẻ và rất trẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp đều mong muốn, Nhà nước và Chính phủ khởi xướng những quỹ đổi mới sáng tạo có tính mạo hiểm hơn để đầu tư cho các doanh nghiệp mới, từ đó mới hiện thực hóa được những ý tưởng sáng tạo mà có thể nếu thiếu kinh phí sẽ mãi chỉ nằm trên giấy. Các chính sách của Nhà nước cần tăng tính động lực, kích thích nhiều hơn việc áp dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn đời sống.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Cần rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế
Thời gian tới, theo tôi cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc giám sát và đánh giá kết quả thực thi những chính sách mà Chính phủ và các bộ, ngành đề ra. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy những rà soát độc lập và những ý kiến phản biện đối với các quy định đang cản trở, gây phiền hà cho doanh nghiệp mà trước hết về những điều kiện về cấp phép, những quy định thủ tục hành chính…
Tinh thần rất cải cách của Chính phủ phải được đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc nhất trên thực tế.
Ông Đặng Văn Cường, Chủ doanh nghiệp Chuỗi Garage Ôtô Hiệp Cường: Mong muốn đơn giản thủ tục
Chúng tôi chỉ là hộ kinh doanh nhỏ, nhiều lúc muốn được tham gia vào các hoạt động đầu tư chuyên sâu hơn, như nghiên cứu và phát triển các ứng dụng để tăng độ an toàn của xe ô tô, tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chỉ dựa vào sức cá nhân thì rất khó để thành công và phát triển. Giá như có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đơn giản hơn về thủ tục và trực tiếp đến được với doanh nghiệp, chắc chắn Garage Ôtô Hiệp Cường sẽ dành thời gian để phát triển bền vững hơn, dám làm ăn lớn hơn.
Riêng trong lĩnh vực cơ khí và chế tạo, các chương trình đào tạo tại trường lớp tôi cho rằng cần gắn với thực tiễn cuộc sống nhiều hơn nữa. Tại nhiều xưởng của Hiệp Cường, các kỹ sư, kỹ thuật viên hầu hết đều phải đào tạo lại mới có thể đảm nhiệm được công việc. Điều này gây lãng phí cả về thời gian, tiền bạc, vật chất và công sức của cả người học và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trọng Thiện, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Công ty cổ phần 22: Cơ hội do chính mình tạo nên
Các chính sách hỗ trợ vay vốn của Nhà nước, cùng sự lắng nghe, tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp, ngành để giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp là có ý nghĩa hết sức quan trọng. Doanh nghiệp có mạnh lên, có khả năng cạnh tranh và phát triển tốt; đồng thời tận dụng được những thời cơ từ thị trường, từ làn sóng hội nhập hay không cũng nhờ vào điều này.
Song song với đó, các doanh nghiệp cũng cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược rõ ràng trong việc xây dựng thương hiệu, đầu tư về chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ thiết bị, chất lượng sản phẩm, giá cả, mẫu mã… Thêm nữa, doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào chuỗi liên kết có giá trị để nâng cao vị thế của chính mình. Bởi hơn ai hết, cơ hội phát triển là do chính mình tạo nên và tự nắm bắt.